Theo báo cáo nhanh sáng nay 26-3 của Bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh nhân nữ 53 tuổi đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim 1 lần) sau khi truyền 1 lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) thì 3 giờ sau bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ (từ 1/5 đã tăng lên 2/5), và có biểu hiện nghe hiểu.
Trong khi đó, báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bé gái 16 tuổi đang suy hô hấp và được thở máy, đồng tử dãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay). Bệnh nhân được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT (2/3 lọ) lúc 19 giờ 30 ngày 25-3, đến 22 giờ 30 (sau 3 giờ truyền BAT). Bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn, đến 1 giờ 30 sáng 26-3 khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Trước đó, ngày 21-3, bệnh nhân 16 tuổi có ăn bún riêu chay do bố mẹ đem về, đến 17 giờ 30, em bắt đầu đau đầu, chóng mặt, nôn, không tiêu chảy. Đến 3 giờ 30 ngày 22-3 em chóng mặt, ói nhiều hơn, cứng lưỡi, vẫn còn tỉnh táo, tay chân hoạt động bình thường người nhà cho bé nhập viện tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tại đây có chụp CTscan đầu: chưa ghi nhận bất thường, điều trị hỗ trợ. Đến 13 giờ chiều cùng ngày em mệt lả, vẫn còn ói nhiều, cứng lưỡi nhiều hơn, đàm nhớt ở họng nhiều, tuy nhiên em không ho ra được, phải dùng dụng cụ hút đàm nhớt thường xuyên nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, em tỉnh, suy hô hấp, ứ CO2 nhiều nên được đặt nội khí quản, thở máy. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Nhiễm hiện em còn thở máy, tỉnh, đồng tử giãn 4mm, phản xạ ánh sáng dương tính, huyết áp 150/100mmhg, các chỉ số xét nghiệm (công thức máu, chức năng gan thận, điện tâm đồ, men tim) trong giới hạn bình thường. |
Biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn patê cho độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Hiện Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục hồi sức và theo dõi sát tình trạng của các bệnh nhân.
Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, trong số 4 ca ngộ độc nghi ăn pate chay đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, có 3 ca phải thở máy. 3 ca mới tiếp nhận mới này vào cấp cứu tại bệnh viện làm hai đợt. Một ca vào ngày 24-3 là nữ sinh năm 1979; hai ca còn lại vào đêm 25-3 cũng là nữ sinh năm 1999 và 1978. Đặc biệt cả 3 ca này đều có liên quan trực tiếp với ca bệnh đầu tiên là đều ăn bún riêu chay ở Bình Dương.
Trong khi chờ xác định chính xác thông tin, Sở Y tế yêu cầu người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến patê chay và chờ thông tin và thông báo mới nhất từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Riêng những ai đã cùng ăn patê chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.