Trân quý y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ sát cánh TPHCM chống dịch

Sáng 6-10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Dự lễ tuyên dương có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Trước khi lễ tuyên dương bắt đầu, lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu dành một phút tưởng niệm nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; các cá nhân đã mất vì dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao tặng Huy hiệu TPHCM cho lực lượng tăng cường tham gia phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn các tập thể, cá nhân đã tham gia cùng thành phố phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí chia sẻ, hơn 2 tháng qua, lực lượng chi viện của Trung ương và các tỉnh, thành đến TPHCM trong một đợt công tác đầy hy sinh, vất vả mà không chút do dự. “Anh, chị, em đã phải xa con thơ, cha mẹ già yếu, thậm chí không thể về nhà khi phải vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, các anh, chị, em mặc kín bộ đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc. Những hình ảnh, nghĩa cử cao cả thể hiện sâu sắc y đức, thấm đậm tình thương, trách nhiệm đó luôn in đậm và sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng người dân thành phố”, đồng chí Phan Văn Mãi xúc động.

Theo đồng chí, tình hình dịch bệnh tại TPHCM bước đầu được kiểm soát, thành phố từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. “Thành phố đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, của TPHCM, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi trân trọng bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hơn 12.000 y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đã không ngại hiểm nguy và gian khó, kề vai sát cánh cùng thành phố trong thời gian qua. Cùng với đó là sự đóng góp của lực lượng tình nguyện viên đến từ các tổ chức tôn giáo, đã tận tâm tham gia hỗ trợ, chăm sóc, động viên bệnh nhân mắc Covid-19 với tinh thần từ bi, bác ái của những người tu sĩ. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đấng sinh thành và người thân đã động viên, san sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình để các anh, chị, em lên đường đến với TPHCM và yên tâm công tác.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng nhận định, thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường, những khó khăn và thách thức chưa phải đã hết. Nhưng khi có sự chung sức, chung lòng và sự đoàn kết toàn dân tộc, thành phố tin rằng sẽ vượt khó khăn, chiến thắng đại dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, với nỗ lực và quyết tâm tiếp tục xây dựng thành phố tươi đẹp, văn minh, nghĩa tình, xứng tầm với vị thế của mình.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải trao tặng Huy hiệu TPHCM cho lực lượng tăng cường tham gia phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thay mặt các tập thể, cá nhân được tuyên dương đợt này, bác sĩ Bùi Quang Huy, Phó Trưởng khoa Nhi tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, chia sẻ: “Khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi xác định đây không phải chỉ là hỗ trợ mà chính là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố. Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào”.

Dịp này, 43 tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM cùng 20 triệu đồng tiền thưởng/tập thể; 100 cá nhân được nhận Huy hiệu TPHCM.

Tính đến ngày 30-9, có 187.275 người tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM. Trong đó, số nhân lực của các bộ ngành Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ thành phố gần 29.000 người.

THU HƯỜNG

------------------------

Mọi người về, cũng mạnh giỏi nghen!

Bước vào những ca làm việc cuối cùng trước khi rời TPHCM để trở lại công việc ở quê nhà, bác sĩ Hoàng Minh Hùng (đoàn y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách) tâm tình: “Giây phút này lưu luyến lắm, gắn bó với nơi này cũng gần 2 tháng rồi. Thật vui vì lượng bệnh nhân đang giảm dần. Mấy hôm nay đi làm, nhìn các hoạt động dần bình thường trở lại, tôi mừng lắm”.

1. Tình hình dịch bệnh ở - TPHCM tiếp tục có những tín hiệu lạc quan. Dự kiến, thứ bảy tuần này, bác sĩ Minh Hùng cùng một số đồng nghiệp sẽ trở lại quê nhà Quảng Bình. Trong ca làm việc sau cùng tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19, phút nghỉ ngơi lại nghe mọi người nhắc nhau: “Chụp với tau tấm hình nha, mai tau về rồi” hay “Hè sang năm về quê tau chơi nha”… Cái giọng miền Trung đặc sệt, nghe mà thương. “Ở đây tôi cũng được cho là lớn tuổi, có những anh em coi như em út trong nhà, lúc này cũng sắp chia tay nên cứ nhắc nhau, rủ rê hè nhớ về quê chơi. Lịch trình dự kiến cuối tuần này đoàn của tôi sẽ về lại quê nhà, hiện tại còn làm việc ca nào thì cố gắng hết mình để chăm sóc bệnh nhân”, anh chia sẻ.

Có những bệnh nhân điều trị lâu, nhận ra anh qua cái tên và tên bệnh viện viết trên đồ bảo hộ, cứ gọi: “Bác sĩ Hùng đây rồi”, “Hết dịch tui ra Quảng Bình chơi, rồi ghé thăm bác sĩ luôn nghen”. “Chỉ bao nhiêu đó thôi là mình đủ thấy vui và hạnh phúc vì bệnh nhân đang phục hồi sức khỏe. Gần 2 tháng ở thành phố, giờ sắp trở lại quê nhà, nhớ và thương lắm. Những ngày giãn cách xã hội kéo dài nhưng mọi người vẫn cố gửi phần cơm, hộp sữa và cả những món ăn đặc trưng miền Trung cho đội ngũ y bác sĩ… Cảm động lắm!”, bác sĩ Minh Hùng bùi ngùi.

Cùng đoàn với bác sĩ Minh Hùng, nữ hộ sinh Đỗ Thị Việt Hà (thành viên nữ lớn tuổi nhất) bộc bạch: “Lúc vào chống dịch, chúng tôi không lo lắng gì đâu, chỉ mong cùng thành phố đi qua những ngày khó khăn; bây giờ có lịch về, thấy lưu luyến”.

2. Dự kiến 10 giờ sáng hôm nay 7-10, anh cùng mọi người ra sân bay trở về Hà Nội. Bao cảm xúc thương mến, anh gửi lời chúc mọi người ở lại, với cách nói rặt Nam bộ: “Thiệt mạnh giỏi nghen!”. Anh là Vũ Đình Tiến, giảng viên, cũng là người phụ trách dẫn đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở huyện Bình Chánh. Anh kể lại: “Những ngày đầu vào đây, F0 phát hiện trong cộng đồng nhiều, có nhiều bạn trong đoàn lo lắng đến mất ngủ. Nhưng rồi cũng quen dần với công việc, được sự yêu thương của mọi người, đoàn cảm động lắm. Có buổi đi lấy mẫu xét nghiệm xong, người dân gửi tặng túi trái cây nhỏ, mình nhận, vui lắm”.

Vào TPHCM ngày 5-9 và dự kiến trở lại Hà Nội ngày 15-10, phút nghỉ ngơi trong những ca làm việc sau cùng tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 ở TP Thủ Đức, bác sĩ Trần Hoàng Linh (Bệnh viện Nhi Trung ương) kể: “Những ngày mới vào, tôi lo nhiều. Tôi chưa bao giờ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 dù đã qua rất nhiều khóa học, đào tạo về điều trị Covid-19. Bản thân là bác sĩ nhi, hàng ngày làm việc với trẻ em nên khi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân người lớn, thấy rất nhiều áp lực. Nhưng rồi khi vào đây làm việc, có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, mọi việc quen dần…”.

3. Trở lại quê nhà vào những ngày cuối tháng 9, khi nghe tin TPHCM chuyển dần sang giai đoạn mới từ đầu tháng 10-2021, điều dưỡng Đặng Quốc Bảo (Bệnh viện Trung ương Huế) gọi điện thoại chia sẻ: “Có những bệnh nhân trong quá trình điều trị, họ khỏe dần và xin số điện thoại để kết nối. Giờ gọi mỗi ngày cho tôi để trò chuyện, xem nhau như người thân trong nhà vậy đó. Nghe họ chia sẻ tình hình gia đình, không có ai mất mát vì Covid-19, mình càng vui hơn”, điều dưỡng Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Trong cuộc kết nối từ quê nhà với chúng tôi, anh Quốc Bảo xúc động: “Lúc ở TPHCM đi làm về, có những chiều mưa lại nhớ Huế, bây giờ ở Huế nhìn mưa lại nhớ về TPHCM. Chỉ mong mọi thứ nhanh chóng ổn định…”.

Lời cảm ơn gửi đến các anh chị cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên từ các tỉnh thành trợ giúp TPHCM trong những ngày qua, làm sao nói hết. Chỉ mong mọi người cũng “thiệt mạnh giỏi nghen!” để tiếp tục hành trình trên những tuyến đầu vì sức khỏe người dân.

Bà N.T.V. (62 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, bệnh nhân mắc Covid-19 từng được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phụ trách) chia sẻ: “Mấy ngày đầu tui có biết ai là ai đâu, sau này khỏe dần mới để ý tên các y bác sĩ viết trên áo và nghe giọng mới biết là mọi người ở miền Bắc vào hỗ trợ. Các y bác sĩ ân cần lắm, chăm sóc người bệnh hết mình, tôi khỏe được như hôm nay cũng là nhờ có mọi người. Cầu mong sớm hết dịch để mọi người được về nhà”.

KIM LOAN

Tin cùng chuyên mục