Tháng 6-2023, FATF đã đưa Việt Nam vào danh sách xám, đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF thực hiện kế hoạch hành động do FATF khuyến nghị với thời gian thực hiện là trong 2 năm.
Khi bị FATF đưa vào “danh sách xám”, sẽ có những bất lợi trong đánh giá của quốc tế nói chung, đặc biệt là liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam. Việc vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...) không dễ dàng như trước vì có thể thêm các điều kiện ràng buộc việc chấp hành các quy tắc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Điều này dẫn đến phải chuyển hướng sang các khoản vay thương mại với các điều kiện cao hơn, nhất là về lãi suất. Việt Nam cũng sẽ bị đưa vào danh sách các nước có rủi ro về rửa tiền cao của Liên minh châu Âu.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu quyết liệt triển khai mọi biện pháp để trong vòng 2 năm đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách xám”. Ngân hàng Nhà nước chủ trì rà soát, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, các cam kết của Việt Nam theo chỉ định của FATF để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ Công an đẩy mạnh công tác điều tra rửa tiền, nguồn của tội phạm rửa tiền. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh hoạt động tư pháp, truy tố, xét xử liên quan đến tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.