Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu nông sản cho hơn 1.600 doanh nghiệp Việt Nam

Chiều 1-3, Văn phòng Bộ Công thương thông tin, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp mã số xuất khẩu cho hơn 1.600 doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc. 
Theo quy định của Trung Quốc từ ngày 1-1-2022, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cần có mã số

Theo thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam (thuộc Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 22-2, tổng cộng đã có 1.656 doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã số theo quy định mới về giám sát vùng trồng và theo dõi, truy xuất nguồn gốc nông sản khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (áp dụng theo Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc).

Trong đó bao gồm: 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn; 187 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT Việt Nam) đề xuất đã được cấp mã, tuy nhiên do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% khối lượng theo đề xuất Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đăng ký và đang tiếp tục; 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT); số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký và doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công thương, Bộ Y tế.  

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, khó khăn hiện nay là tiến độ phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp. Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% so với danh sách đăng ký của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam. 

Nhằm tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc, Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này tiếp tục làm đầu mối trao đổi với Hải quan Trung Quốc và phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp; tăng cường trao đổi với hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của Hải quan Trung Quốc; tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục tăng cường trao đổi với hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248 và 249 (nhất là việc chậm cấp mã số đăng ký đối với nhóm mặt hàng có nguồn gốc thực vật và nhóm mặt hàng do Bộ Công thương quản lý đăng ký).

Tin cùng chuyên mục