Trung Quốc gấp rút xây bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân bị lây nhiễm virus corona mới

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đang gấp rút xây một bệnh viện mới gồm 1.000 giường để điều trị những bệnh nhân bị lây nhiễm virus corona, đồng thời triển khai thiết bị, máy móc để sẵn sàng đi vào hoạt động vào đầu tuần tới.
Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ khi làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 22-1-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ khi làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 22-1-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông địa phương ngày 24-1 đưa tin bệnh viện mới được xây dựng ở ngoại ô thành phố Vũ Hán nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn lực y tế hiện nay. 

Bệnh viện dã chiến này có mô hình lắp ghép, xây nhanh và ít kinh phí, tương tự bệnh viện Xiaotangshan được xây dựng ở thủ đô Bắc Kinh hồi năm 2003 khi dịch bệnh do chủng corona gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát.

Thời điểm đó, Bắc Kinh xây dựng bệnh viện này ở ngoại ô phía Bắc chỉ trong vòng một tuần. Trong 2 tháng, bệnh viện đã điều trị 700 bệnh nhân nhiễm virus SARS, hơn 14% tổng số bệnh nhân ở nước này.  

Chủng virus corona mới lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán. Đến ngày 24-1, đã có 25 ca tử vong và khoảng 830 ca mắc bệnh được xác nhận trên toàn Trung Quốc. Hiện các cơ quan y tế Trung Quốc đang tiến hành kiểm tra 1.072 người nghi nhiễm virus chết người này.

WHO chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Mặc dù dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra đang có xu hướng lây lan trên diện rộng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố "hiện còn quá sớm" để tuyên bố dịch bệnh tại Trung Quốc này là tình trạng y tế khẩn cấp khiến quốc tế quan ngại (PHEIC).
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo số người nhiễm bệnh có thể tăng mạnh trong khi các chuyên gia y tế chưa xác định được chủng virus gây bệnh.
Trung Quốc gấp rút xây bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân bị lây nhiễm virus corona mới ảnh 1 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 22-1-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố với báo giới sau cuộc họp kín của Ủy ban Tình trạng khẩn cấp ngày 23-1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Hôm nay tôi chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp khiến quốc tế quan ngại". Theo ông, các thành viên trong ủy ban tiếp tục bị chia rẽ về vấn đề này. Ông thừa nhận đây là một tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng chưa ở cấp độ toàn cầu. 
Tổng Giám đốc WHO đánh giá Chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp phù hợp để kiềm chế dịch bệnh lan rộng và WHO hy vọng các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo định nghĩa của WHO, PHEIC là một dịch bệnh/tình trạng y tế đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa y tế công cộng của nhiều nước khác thông qua lây truyền dịch bệnh trên phạm vi quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước phải cùng phối hợp dập dịch. 

Tin cùng chuyên mục