Tuyến y tế cơ sở: Cần thêm chính sách đặc thù để thu hút nhân lực

“Trước mắt, Sở Y tế tiếp tục rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND TPHCM chính sách về thu nhập; chính sách về đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên y tế; chính sách đẩy mạnh đầu tư công, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết.

Chiều 6-11, Thường trực HĐND TPHCM có buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe nhân dân” đối với UBND TP. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát.

Khó khăn nhất là giữ chân người lao động

Báo cáo tại buổi giám sát, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 của HĐND TPHCM về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế (TYT) phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025; Đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, qua gần 2 năm đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến nay tuyến y tế cơ sở (YTCS) thu hút, tăng cường được 1.123 nhân lực với tổng kinh phí thực hiện chi trả trên 66 tỷ đồng. Cụ thể, đối với BS trẻ tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện gắn với TYT có 375 BS được phân bổ về 284/310 TYT. Đối với chính sách thu hút người lao động cao tuổi, các địa phương thu hút được 153 người/430 nhu cầu, đồng thời tuyển dụng được 584/ 620 nhân viên bảo vệ, vệ sinh và một số vị trí khác.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, khi bắt đầu triển khai chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với TYT, trong 2 đợt có 375 BS trẻ tham gia được phân bổ về 284/310 TYT. Trong quá trình tham gia, vì nhiều lý do khác nhau đã có 25 người xin không tiếp tục tham gia. Đồng thời tuyến YTCS vẫn chưa thu hút được BS lựa chọn công tác sau khi hoàn thành chương trình thực hành.

Tại “Ngày hội việc làm” được sở tổ chức mới đây, chỉ có 18/204 BS trẻ tốt nghiệp lựa chọn về YTCS (chiếm tỉ lệ 9%). Nguyên nhân này có cả chủ quan và khách quan, nhưng khó khăn nhất vẫn là do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, kỹ thuật khám, chữa bệnh tại tuyến YTCS chưa cao, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp ở tuyến này chưa rõ ràng... Cạnh đó, trong các năm 2021, 2022 và 10 tháng 2023, thành phố có 1.024 nhân viên y tế bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc.

Buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe nhân dân” đối với UBND TP. Ảnh: CAO THĂNG

Buổi giám sát về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe nhân dân” đối với UBND TP. Ảnh: CAO THĂNG

“Bệnh viện Hùng Vương, trước đây có nhiều chương trình hỗ trợ y tế huyện Cần Giờ trong đào tạo phụ sản, nhưng sau đào tạo họ bỏ việc hoặc xin về hệ thống y tế ngoài công lập do mức thu nhập tốt hơn. Đây là thực tế không riêng Cần Giờ mà các quận huyện khác cũng gặp phải”, TS.TB Hoàng Thị Diễm Tuyết, đại biểu HĐND TPHCM nêu thực trạng.

Các đại biểu khác bày tỏ băn khoăn khi toàn thành phố có 310 TYT, nhưng chỉ có khoảng 188 trạm tổ chức được công tác khám chữa bệnh cho người cao tuổi theo bảo hiểm y tế. Trong khi ngành y tế đã triển khai rất nhiều mô hình như TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; phòng khám vệ tinh tại TYT, đến công tác xã hội hóa TYT… Vậy nguyên nhân do đâu, phải chăng các mô hình này hoạt động chưa hiệu quả hay địa phương chưa tích cực hỗ trợ ngành y?

Một mình ngành y không làm được

“Trước đây, Bệnh viện huyện Củ Chi chỉ có vài chục BS, nhưng hiện tại đơn vị này có trên 100 y, BS có chuyên môn, tay nghề cao. Bệnh viện này tuyển dụng được nhân sự bởi nhận được sự hỗ trợ tích cực của địa phương”, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM dẫn chứng rồi cho rằng: “Một số quận huyện không tuyển dụng, giữ chân được đội ngũ nhân viên y tế, một mình ngành y tế không thể làm được. Vai trò của địa phương trong công tác này hết sức quan trọng".

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Để tháo gỡ khó khăn, ngành y tế TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại khoản 1, Điều 2 của Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 8-12-2014 của Chính phủ về y tế phường, xã, thị trấn: Chuyển đổi phân bổ TYT theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang phân bổ theo quy mô dân số, đảm bảo mỗi 30.000-50.000 dân sẽ có 1 TYT; HĐND TPHCM xem xét và thông qua “Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng”.

Đại diện một số quận, huyện mong muốn HĐND TPHCM ngoài việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01 các năm sau 2025 và cho nâng mức kinh phí hỗ trợ đối với nhân sự làm việc tại hệ thống YTCS; đồng thời thực hiện chế độ đãi ngộ về nhà ở xã hội cho viên chức YTCS. Đối với nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các TYT, họ sẽ không gắn bó lâu dài do đa phần là người lớn tuổi, mức lương thấp, thành phố cần tăng lương từ 5,7 triệu đồng/người/tháng lên 7.000.000 đồng/ người/tháng; đẩy nhanh việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế cho 146 TYT nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe người dân…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, việc nâng cao chất lượng YTCS, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được cả hệ thống chính trị TPHCM đặc biệt quan tâm. Ngoài nghị quyết và đề án đã được triển khai, thời gian qua thành phố còn tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho hàng chục ngàn người cao tuổi. Bên cạnh thuận lợi vẫn gặp không ít khó khăn. “Trước mắt, Sở Y tế TP tiếp tục rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND TP chính sách về thu nhập; chính sách về đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên y tế; chính sách đẩy mạnh đầu tư công, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 01 của HĐND TP ra đời nhằm mục đích không chỉ phòng chống đại dịch Covid-19 mà còn những dịch bệnh khác. Đặc biệt Nghị quyết 01 hướng đến nâng chất tuyến YTCS, đầu tư đồng bộ, hiện đại cho hệ thống y tế tuyến cuối… Do đó, việc HĐND TP tổ chức các buổi giám sát ở cơ sở và nay là UBND TPHCM nhằm đánh giá lại ngành y tế qua gần 2 năm thực hiện nghị quyết đã đạt tới đâu, có gặp khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ, bổ sung thêm cơ chế, chính sách để thực hiện thành công nghị quyết đến năm 2025.

Vì vậy, đối với các kiến nghị liên quan tới Chính phủ, Bộ Y tế, ngành y tế thành phố cần tham mưu cho UBND TPHCM để kiến nghị, kiên trì đeo bám. Cái gì trong thẩm quyền của HĐND TP, HĐND TP sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ để nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu cuối cùng là chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Mong dự án xây mới bệnh viện có "đường ra"

BS.CKII Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, bệnh viện nhận được sự quan tâm của thành phố nên hơn 13 năm trước đã được ưu tiên bố trí một khu đất tại xã Bình Hưng, Bình Chánh để xây mới bệnh viện. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa có lối ra, vẫn nằm trên giấy. Do đó, bệnh viện đã trình phương án xin xây tại chỗ. Mong thành phố đã quan tâm, tiếp tục quan tâm để có “đường ra” và cho bệnh viện được xây tại chỗ.

Tin cùng chuyên mục