Ứng xử chủ động, sáng tạo trong phòng chống thiên tai

Vấn đề được nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm là nâng cao sức chống chịu với thiên tai. ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nói: “Qua đợt lũ lụt này, phải có biện pháp ứng xử chủ động, sáng tạo trong chống chịu với thiên tai, nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn".

Ngày 3-11, Quốc hội bắt đầu hoạt động thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách. Nội dung này sẽ diễn ra trong 3 ngày làm việc liên tiếp của kỳ họp thứ 10. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ quan tâm là nâng cao sức chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Là ĐB ở một tỉnh vùng cao, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ phát triển rừng. ĐB Triệu Thị Thu Phương nhận xét, những năm qua, cả nước đã tăng được tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39% lên 43%. Chính sách giao đất giao rừng là giải pháp đột phá, song việc giữ rừng tự nhiên chưa hiệu quả, người dân chưa sống được bằng sản phẩm từ rừng. Trong khi đó, tiêu chí phân bổ đầu tư công trung hạn lại chưa ưu tiên đúng mức cho giữ rừng, bảo vệ rừng.

Ứng xử chủ động, sáng tạo trong phòng chống thiên tai ảnh 1 ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp, sáng 3-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC 
ĐB Triệu Thị Thu Phương đề nghị Chính phủ xem xét lại điểm số của tiêu chí này, đồng thời với việc đầu tư phát triển sản phẩm lâm nghiệp, biến nó thành sản phẩm giảm nghèo, tăng chi phí khoanh nuôi và phát triển rừng… tạo động lực cho người dân đầu nguồn giữ rừng, bảo vệ hệ sinh  thái.

ĐB Triệu Thị Thu Phương cũng đề nghị Quốc hội sớm phê duyệt vốn đầu tư thích đáng cho các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhận định, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá hết thiệt hại do thiên tai, trong lĩnh vực nông nghiệp và cả các lĩnh vực thương mại, dịch vụ…

Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận, chính thiên tai, lũ lụt đã khiến những khiếm khuyết của hệ thống hạ tầng ĐBSCL càng bộc lộ rõ. “Triều cường, mưa lụt khiến hàng trăm, hàng ngàn phương tiện chết máy lần dò trên đường mưu sinh, ảnh hưởng đến học tập, sức khoẻ của học sinh vượt lũ lụt đến trường”.

ĐB Nguyễn Quốc Hận đề nghị chú trọng đầu tư cho hệ thống giao thông khu vực này, lưu ý nâng cao độ các công trình giao thông, xây dựng thêm cầu cạn; bổ sung đường kết nối các khu vực và nhanh chóng hoàn thiện, triển khai các công trình đường cao tốc. Đặc biệt, cần cân nhắc về quyết định chưa tăng mức lương cơ sở của cán bộ công chức người hưu trí để cùng chia sẻ khó khăn với người dân. Hầu hết mọi người đã hết lòng ủng hộ chia sẻ, nhưng trong số này cũng đó có nhiều người, nhất là cán bộ hưu trí, không còn khả năng lao động sản xuất, đời sống khó khăn. Nếu kéo dài thời gian chưa tăng lương, Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát giá cả, bố trí các khoảng hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp hơn 5 triệu đồng/tháng.

Bày tỏ cảm ơn các cơ quan đoàn thể, đồng bào chiến sĩ cả nước đã quan tâm chia sẻ với đồng bào miền Trung và Quảng Nam nói riêng, ĐB Phan Thanh Bình (Quảng Nam) nêu nhiều đề xuất đáng lưu ý trong việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là cấp không gạo cho đồng bào; khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Với các dự án thủy điện, thủy lợi có chuyển đổi diện tích rừng, cần giám sát trồng rừng thay thế cả về vị trí, loại cây trồng để đảm bảo chức năng phòng hộ.  

Trong quy hoạch dân cư, khuyến cáo dân làm nhà sàn, nhà chống lụt và vùng trú bão ven biển; tổng rà soát cơ sở giáo dục ở các vùng hay bị thiên tai. “Các trường học phát huy vai trò rất tốt khi di dời nhân dân tránh trú bão, nên thiết kế kiên cố, đổ mái bê tông”, ĐB Phan Thanh Bình đề xuất.

ĐB Phan Thanh Bình cũng nêu một số khuyến nghị về việc thực hiện chương trình tín dụng cho vay đóng tàu vỏ thép theo NĐ67, theo đó hỗ trợ người dân cải hoá tàu, kéo dài thời hạn trả nợ; tạo thuận lợi cho người mua lại tài sản là tàu vỏ thép…

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đồng tình với ý kiến của một số ĐB phát biểu trước đó liên quan đến nguyên nhân của tình hình thiên tai, mưa lũ. Dù nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã rà soát loại ra nhiều dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ, nhưng một số công trình hiện đang hoạt động còn bất cập.

“Các dự án thủy điện nhỏ hiện nay cho thấy quy hoạch còn không đồng bộ, thiếu tầm nhìn; lấp sông ngòi làm nhà ở làm trầm trọng hơn nữa sự ngập lụt ở các khu dân cư… Công tác quy hoạch thời gian tới hết sức quan trọng và cần thiết. Quy hoạch cần đồng bộ, tuân theo tự nhiên, dài hạn và gắn với phát triển bền vững; ứng dụng hơn nữa nông nghiệp sạch…”, ĐB Nguyễn Thanh Hải nói.

Giải trình trước Quốc hội liên quan đến các ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xin tiếp thu 7 ý kiến của ĐBQH, trong đó, có 4 ý kiến đóng góp trực tiếp cho nông nghiệp. “Bộ sẽ trả lời bằng văn bản kỹ và cụ thể”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết.

Ứng xử chủ động, sáng tạo trong phòng chống thiên tai ảnh 2  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp, sáng 3-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC 
Liên quan đến phát triển rừng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chế độ giữ rừng ngày càng tăng, từ 50.000 đồng/ha, nâng lên 250.000 đồng/ha. Ngoài ra, đã huy động xã hội hóa chi trả bảo vệ môi trường rừng. Đến nay, thế giới đã thừa nhận Việt Nam tham gia phát triển bền vững, Việt Nam cam kết đi theo con đường phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm đổi mới, việc phát triển rừng tự nhiên không thể như xưa, khi trước đó, chiến tranh đã hủy hoại hàng triệu ha rừng…

Tiếp lời, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua nhận định: “Chúng ta mất quá nhiều rừng tự nhiên, các dự án thủy điện nhỏ 20 năm qua đã phát triển ồ ạt; hàng chục ngàn ha rừng mất đi; chỉ tiêu trồng rừng mới không nói lên nhiều khi rừng tự nhiên ngày càng mất đi, là nguyên nhân cho lũ quét và sạt lở đất. Thủy điện không làm ra lũ nhưng làm mất rừng, tàn phá nặng nề hơn”, ĐB Hoàng Đức Thắng nói.

Ứng xử chủ động, sáng tạo trong phòng chống thiên tai ảnh 3 ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp, sáng 3-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC 
ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần rà soát để có đánh giá cụ thể hơn, toàn diện hơn để khắc phục những bất cập hiện nay. Đối với các dự án thủy điện nhỏ, ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn. Trong đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát tối cao, có quyết sách mạnh mẽ đối với việc trồng rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên.

“Qua đợt lũ lụt này, phải có biện pháp ứng xử chủ động, sáng tạo trong chống chịu thiên tai, phát triển theo hướng nhanh và bền vững; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; quy hoạch lại vùng, bố trí dân cư nhất là khu vực miền núi; nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn; hỗ trợ sau thiên tai”, ĐB Hoàng Đức Thắng nói.

Tin cùng chuyên mục