Văn hóa - cầu nối hội nhập

Nhờ sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, các sản phẩm văn hóa từ đất nước hình chữ S có nhiều cơ hội vượt ra khỏi biên giới quốc gia, thậm chí trở thành “hiện tượng”, “trào lưu” trên thế giới. Những tháng đầu năm 2023, bài hát See tình là một hiện tượng như thế.

Lan tỏa các giá trị Việt ra thế giới

See tình - bài hát có giai điệu dance-pop, lấy cảm hứng từ những giá trị đặc trưng của miền Tây. Có thể bắt gặp các clip vận động viên, ca sĩ, diễn viên, hoa hậu các nước cùng nhiều TikToker đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia đến Canada, Mỹ, Brazil, Bangladesh, Pakistan… đã nhảy cùng See tình.

Gần đây, sau 3 tháng nổi như cồn ở Hàn Quốc, “cha đẻ” của điệu nhảy Gangnam style - nam ca sĩ PSY đã hát lại một cách thuần thục trên nền nhạc của bài See tình. Bản nhạc một lần nữa tạo làn sóng lan tỏa mạnh mẽ cho ca khúc Việt này đến người xem quốc tế. Đây là một trong những minh chứng sinh động cho thấy, văn hóa Việt đang ngày càng lan tỏa và tạo được dấu ấn tốt với thế giới.

Để có được bước tiến vượt bậc như thời điểm này là một quá trình nỗ lực bền bỉ của nhiều người, nhiều thế hệ làm văn hóa. Điện ảnh có thể coi là lĩnh vực đầu tiên mang hình ảnh và văn hóa Việt Nam vượt qua rào cản ngôn ngữ, đi xa khỏi biên giới quốc gia. Rất nhiều thế hệ đạo diễn, nhà sản xuất tâm huyết của Việt Nam đã nỗ lực đưa phim Việt ra thế giới như Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh…

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận trong khuôn khổ Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai. Ảnh: NAM NGUYỄN
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận trong khuôn khổ Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO 2020 Dubai. Ảnh: NAM NGUYỄN

Cùng với đó, không thể không nhắc tới vai trò cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới của các nhà thiết kế áo dài danh tiếng như Minh Hạnh, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Sỹ Hoàng, Công Trí, Việt Hà… Tại chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận trong khuôn khổ hoạt động của Triển lãm Thế giới - EXPO 2020 ở Dubai, Ngày Quốc gia Việt Nam, trên nền nhạc Múa sen, bộ sưu tập thời trang Áo dài tơ tằm Những giấc mơ của Vũ Việt Hà mang đến một không gian văn hóa đầy mê hoặc với du khách quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, khách quốc tế đến Việt Nam không phải vì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà đến vì văn hóa, để khám phá chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và sự mến khách, để tìm hiểu về những giá trị nghệ thuật riêng có của Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, chèo, múa rối, hát xoan, quan họ, đờn ca tài tử…

Phát triển bền vững từ nền tảng giá trị cốt lõi

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia như là “quyền lực mềm”. Nếu một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… dùng văn hóa để mở rộng ảnh hưởng của mình đối với thế giới, thì với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, ngoại giao văn hóa như một phương thức nhằm lan tỏa giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, tiếng nói của đất nước trên trường quốc tế.

"Việt Nam đã rất tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa"

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL NGUYỄN VĂN HÙNG

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hội nhập quốc tế hiện nay đặt ra không ít thách thức cần giải quyết. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội; môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc... Do đó, “xây” phải luôn đi đôi với “chống”; cổ vũ, động viên nhân tố mới, điển hình tiên tiến; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái tiêu cực làm tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình giao lưu, kết nối với thế giới qua văn hóa, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật; hay các cơ chế về đất, thuế, địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh (liên hoan phim), âm nhạc, thời trang, ẩm thực... để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa.

TPHCM - một trong những trung tâm văn hóa lớn của đất nước, là cửa ngõ giao lưu văn hóa Việt với bạn bè thế giới. Theo định hướng của thành phố, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thành phố sẽ triển khai thiết thực và hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa, góp phần quảng bá du lịch, văn hóa của Việt Nam và thành phố đến bạn bè quốc tế; đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, nguồn kiều hối phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, TPHCM nói riêng.

NGÔ BÌNH

Tin cùng chuyên mục