Vào hội, không chỉ có nông dân

Trao đổi với PV Báo SGGP trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, một trong những mục tiêu, giải pháp đột phá của nhiệm kỳ tới chính là thu hút, tập hợp lực lượng, đa dạng hóa thành phần hội viên.

Phóng viên: Một trong mục tiêu mà đại hội lần này đề ra là sẽ tăng cường kết nạp thêm các hội viên mới, với con số rất cụ thể là 1 triệu hội viên trong 5 năm. Nhưng, vào hội thì nông dân sẽ được lợi gì, và giải pháp nào để nâng cao chất lượng hội viên cũng như hiệu quả hoạt động của hội thời gian tới?

y3b-6833-2094.jpg

Bà Bùi Thị Thơm: Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới cách thức vận động, tuyên truyền, thu hút để tiếp tục nâng cao chất lượng của hội. Tham gia hội chính là để nông dân cùng bàn câu chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật thế nào, cùng trồng lúa, cùng nuôi heo, cùng trồng xoài, sầu riêng… rồi việc tiêu thụ thế nào.

Về việc phát triển hội viên thì Đại hội VIII đã đưa ra chỉ tiêu mới là không chỉ có nông dân mới vào hội, mà cả những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trí thức, doanh nghiệp, giám đốc các hợp tác xã, chủ trang trại, bất cứ ai tâm huyết và tán thành điều lệ hội… đều có thể tham gia hội, trở thành thành viên của hội. Đại hội lần này cũng tiếp tục tiêu chí đó. Số lượng hội viên hội nông dân cần tăng lên, nông dân chỉ là một phần, mà phần tăng thêm còn là các nhà trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp…

Một điểm đáng chú ý nữa là không chỉ mời các doanh nghiệp vào hội mà còn tham gia ban chấp hành của hội. Điểm mới trong cơ cấu của ban chấp hành khóa mới là sẽ giảm số lượng hội viên Trung ương hội để tăng cơ cấu doanh nghiệp liên quan nông nghiệp lên. Tăng số lượng hội viên doanh nghiệp để tăng liên kết, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

y3a-4781.jpg
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cam sành. Ảnh: QUỐC AN

Những mục tiêu, nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ tới là gì, thưa bà?

Đại hội lần này đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, gồm: đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ hội các cấp. Trong đó, về nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hiện nay, chúng tôi đã xây dựng xong đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2030”, để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Tôi cho rằng, để phát triển kinh tế nông nghiệp, không cách nào hiệu quả hơn là tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Dự thảo nghị quyết đại hội lần này không nêu chung chung các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà sẽ đề ra những con số rất cụ thể. Chẳng hạn như thành lập mới 15.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 3.000 chi hội nông dân nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1,2 triệu hội viên trở lên; hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; có trên 97% hội viên tham gia bảo hiểm y tế và vận động từ 300.000 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Dấu ấn trong nhiệm kỳ qua của Hội Nông dân Việt Nam là: Thủ tướng đã 3 lần đối thoại với nông dân, có 149 cuộc đối thoại của lãnh đạo các tỉnh, thành phố và 2.081 cuộc đối thoại của lãnh đạo các huyện, thị với nông dân; hỗ trợ hơn 5.000 nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (như (Postmart.vn, Voso.vn), hơn 78.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử…

Tin cùng chuyên mục