Vị thế đồng USD lung lay

Ngày 8-3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo có thể sẽ đẩy mạnh giải pháp tăng lãi suất để chống lạm phát. Ngay lập tức, tỷ giá đồng USD so với đồng bảng Anh, EUR và yen đã đồng loạt tăng.
Giới đầu tư dồn sự chú ý vào các dữ liệu sắp được công bố
Giới đầu tư dồn sự chú ý vào các dữ liệu sắp được công bố

Đòn dằn mặt

Trong tuyên bố mới nhất, Chủ tịch Powell nêu rõ, FED đã sẵn sàng đẩy nhanh các đợt tăng lãi suất sau khi các số liệu kinh tế mạnh được công bố gần đây. Theo ông J.Powell, các số liệu việc làm, tiêu dùng, hoạt động sản xuất và lạm phát cao trong tháng 1 đã đi ngược lại so với xu hướng hạ nhiệt trước đó. Hiện mọi sự chú ý đang đổ dồn vào dữ liệu việc làm trong tháng 2 tại Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 10-3.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng, quyết định tăng lãi suất không chỉ dừng lại ở việc chống lạm phát mà còn là đòn dằn mặt kiểu Mỹ trước những thông tin xuất hiện gần đây về việc Nga, Trung Quốc, thậm chí cả những đồng minh thân cận của Mỹ, đang tìm cách lật đổ vị thế của đồng USD. Nền kinh tế toàn cầu vận hành dựa trên đồng USD. Thực tế này khiến nhiều quốc gia cảm thấy bất an. Phụ thuộc quá nhiều vào USD có thể khiến các thị trường mới nổi bất ổn, làm suy yếu dòng chảy thương mại và tạo ra tác động domino trên toàn cầu, như khi thị trường tài chính sụp đổ hồi tháng 3-2020.

Nghiên cứu của giáo sư Đại học American và các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sĩ cho thấy, khi đồng tiền của Mỹ tăng giá, hoạt động mua bán của doanh nghiệp ở các quốc gia khác trở nên đắt đỏ hơn. Mặt khác, khi đồng nội tệ của các nước khác yếu đi, xuất khẩu của họ thường sẽ nhận được cú hích nhưng hiệu ứng tăng giá của đồng USD sẽ lấn át tác động tích cực này. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, yếu tố kích hoạt chu kỳ nói trên thường là một đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Theo Reuters, lập luận này được minh họa rõ nét trong giai đoạn tháng 12-2015 đến tháng 12-2018. Cuối năm 2015, FED thắt chặt chính sách tiền tệ và 3 năm sau, lãi suất đạt đỉnh ở mức 2,25-2,5%. Giá USD tăng 10% so với các tiền tệ lớn khác từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2017.

Tìm lựa chọn thay thế

Tạp chí Asia Week cho biết, gần đây, chính khách nhiều nước đã công khai đề cập đến vấn đề “phi USD hóa”, thị trường tiền tệ quốc tế xuất hiện xu hướng thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ. Các nước xuất, nhập khẩu thậm chí thanh toán thương mại theo tỷ giá hối đoái đồng tiền đã được thỏa thuận của hai nước, thay vì tỷ giá hối đoái thị trường. Thanh toán bằng đồng nội tệ một là có thể hạ thấp chi phí kinh doanh, hai là thương mại nội tệ có thể hạ thấp rủi ro chính trị mà hai quốc gia trao đổi thương mại phải gánh chịu. Chẳng hạn, Trung Quốc và Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran… đã thực hiện thỏa thuận thanh toán thương mại nội tệ song phương. Giữa nhiều quốc gia khác cũng đã thực hiện các thỏa thuận liên quan.

Trung Quốc là nước xuất khẩu thương mại lớn nhất và nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, đã triển khai thương mại nội tệ với nhiều nước. Trung tâm dịch vụ Nhân dân tệ xuyên biên giới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã bắt đầu vận hành ở Thượng Hải. Cùng lúc, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cũng xây dựng một cơ chế thanh toán quốc tế đáng tin cậy. Gần đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor tuyên bố, BRICS muốn bỏ qua đồng USD để thiết lập một hệ thống thanh toán công bằng hơn, không ngả về các nước giàu. Mặc dù không nên kỳ vọng đồng tiền dự trữ quốc tế do nhóm các nước BRICS khởi xướng có thể nhanh chóng thay thế lưu thông quốc tế của đồng USD, nhưng nó có thể làm suy yếu đồng USD.

Tin cùng chuyên mục