“Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
Trong khi đó, ngày 29-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, khi lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí “trong vùng biển của Trung Quốc”.
Phát biểu họp báo trước khi luật trên có hiệu lực vào ngày 1-2, ông Motegi nhấn mạnh: “Điều quan trọng là luật này không nên được thực thi theo cách vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ với sự quan tâm cao độ về các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả việc ban hành luật sẽ tác động như thế nào đến những nước khác”.
Ông Motegi tuyên bố Nhật Bản sẽ phản ứng “một cách bình tĩnh và kiên quyết” trước bất kỳ hành động nào của lực lượng hải cảnh Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ của mình. Hôm 22-1, Trung Quốc đã thông qua một dự luật cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí nếu tàu nước ngoài thực hiện các hoạt động bất hợp pháp mà Bắc Kinh cho là không tuân thủ trật tự trong vùng biển nước này.