Vụ bác sĩ trốn việc để làm phòng khám tư: Bệnh viện sẽ xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp ​

Liên quan đến thông tin bác sĩ Bệnh viện TP Thủ Đức trốn việc xuống Tiền Giang làm phòng khám tư mà báo chí phản ánh, sáng 1-10, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã cử đoàn kiểm tra đến Bệnh viện TP Thủ Đức để làm rõ vụ việc.

Tại buổi làm việc, TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, Ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo tất các các khoa, phòng của bệnh viện khẩn trương rà soát lại việc tuân thủ các quy định pháp luật, không được lấy giờ làm việc của cơ quan và phải xin phép và chỉ được phép tham gia khám, chữa bệnh cho các tổ chức khác khi được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo bệnh viện.

Bệnh viện sẽ xem xét và có các biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, sẽ lập các đội thường xuyên kiểm tra đột xuất về việc tuân thủ giờ giấc và thực hiện quy chế của bệnh viện và sẽ triển khai chấm công bằng dấu vân tay. Ban Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức đã yêu cầu 4 bác sĩ bị báo chí phản ánh báo cáo trung thực và xác nhận đã có tham gia hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám tư như bài báo đã đưa tin.

Cả 4 bác sĩ cho biết do không biết quy định pháp luật đã tự sắp xếp thời gian ra trực để làm thêm và chưa báo cáo với lãnh đạo khoa và Ban Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức. Cả 4 bác sĩ này đều đã hiểu việc làm của họ là không đúng quy định, chấp nhận kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật theo quy định.

Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong biên bản kiểm tra ngày 28-9 của đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược tư nhân thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang không ghi nhận phòng khám thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bệnh viện y Sài Gòn có tên của 4 bác sĩ trên trong danh sách hành nghề tại phòng khám này.

Theo quy định pháp luật, phòng khám này phải kê khai tên các bác sĩ sẽ tham gia hành nghề tại phòng khám gửi về Sở Y tế tỉnh Tiền Giang để được xem xét, Sở Y tế Tiền Giang sẽ liên hệ Sở Y tế TPHCM để kiểm chứng thông tin các bác sĩ đăng ký hành nghề, nếu không vi phạm các quy định pháp luật thì mới cho phép phòng khám ký hợp đồng với các bác sĩ này.

Theo Điều 14 của Luật viên chức quy định rõ quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, theo đó, được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Trước đó, ngày 17-7-2018, Sở Y tế TPHCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Ngành y tế TPHCM, trong đó Sở Y tế có nêu rõ: “Không để xảy ra tình trạng công chức, viên chức, người lao động tham gia khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính tại các cơ sở y tế ngoài công lập khi chưa được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý”.

Trong Kế hoạch này Sở Y tế đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y tế Thành phố phải kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời đối với tập thể, cá nhân có sai phạm để xảy ra việc công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Tin cùng chuyên mục