Vụ rừng già Kon Tum bị tàn phá: Tìm thấy 73 gốc cây bị cưa hạ trái phép

Trong vụ việc rừng già Kon Tum bị tàn phá, cơ quan chức năng đã phát hiện 73 gốc cây bị cưa hạ trái phép, khối lượng gỗ quy tròn là 73m3.
Hiện trường vụ việc

Liên quan đến vụ việc rừng ở các tiểu khu 387, 388 (địa phận xã Đắk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) bị tàn phá, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 73 gốc cây bị chặt hạ trái phép, khối lượng gỗ quy tròn là 73,2m3. Trong đó gỗ tròn là 52,8m3, gỗ xẻ là 12,7m3. Chủng loại từ nhóm III đến nhóm VIII.

Cơ quan chức năng đánh giá, khối lượng gỗ tang vật còn lại tại hiện trường đã vượt mức xử lý vi phạm hành chính và có dấu hiệu tội phạm.

Về xử lý trách nhiệm, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông đã tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép và đề xuất hướng xử lý.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phụ trách địa bàn Đắk Ring: Kiểm điểm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trước tập thể đơn vị.

Ông Lương Quốc Thế, kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Đắk Ring: Đang đề nghị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

Đối với chủ rừng là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông, do vụ việc đang điều tra xác minh nên chưa xử lý kỷ luật người lao động. Hiện công ty đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 người thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng- phòng chống cháy rừng Đắk Ring (Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông) là các ông Đinh Công Nhật (Trạm trưởng), Trần Văn Nhu và Nguyễn Hoàng Nam (nhân viên trạm) để phục vụ công tác điều tra. Sau khi có kết quả làm việc của cơ quan chức năng, công ty sẽ họp và ra quyết định kỷ luật theo đúng quy định.

Gỗ vi phạm được đưa về để xử lý

Cũng liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Kon Plông kiểm tra, làm rõ thông tin việc cán bộ Đắk Ring thuê người dân cắt gỗ trái phép.

Trước đó, như Báo SGGP đã đưa tin, khu rừng già ở thôn Ngọc Hoàng (xã Đắk Ring, thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) bị lâm tặc tàn phá ngổn ngang. Gỗ sau khi được cắt hạ đã tập kết thành bãi khổng lồ, vết kéo gỗ in hằn trên đất, chứng tỏ gỗ khai thác thời gian dài.

Tin cùng chuyên mục