Năm học 2015-2016 là năm thứ hai cả nước thực hiện Thông tư 30 quy định về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Rút kinh nghiệm qua hai lần phát thưởng trong năm học trước, các trường ở TPHCM đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong việc ghi nội dung khen thưởng cho học sinh. Tuy nhiên, ở vài nơi vẫn tồn tại tình trạng giấy khen cho có, nội dung khen thưởng “hiểu sao cũng được” khiến phụ huynh bức xúc.
Mỗi nơi một kiểu
Mới đây, khi cầm giấy khen cuối học kỳ 1 của con, nhiều phụ huynh một trường tiểu học ở quận Gò Vấp bày tỏ vui mừng khi thấy nội dung khen thưởng đã cụ thể, rõ ràng, không còn ghi theo kiểu chung chung, đối phó như năm ngoái. Chị Hồng Khanh, một phụ huynh có con học lớp 3, cho biết: Năm ngoái, giấy khen của con tôi chỉ ghi vỏn vẹn 6 chữ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” khiến tôi không thể hiểu được con mình được cô khen ở mặt gì, nổi trội ở hoạt động nào trong lớp. Năm nay, dù giấy khen chỉ ghi nhận xét ngắn gọn “Hoàn thành xuất sắc môn tiếng Việt, có năng khiếu phát triển ngoại ngữ”, nhưng gia đình “vui như hội” vì hai vợ chồng đều theo nghề phiên dịch, lời khen của cô giáo đã vô tình cổ vũ thêm định hướng nghề nghiệp của con, đồng thời giúp người mẹ trẻ thêm tự hào về khả năng con tiếp thu nhanh ngoại ngữ. Trường hợp khác, một phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học V.S. (quận 7) cho biết gia đình rất vui khi con nhận được giấy khen với lời nhận xét “Trung thực, thẳng thắn là hai đức tính nổi bật khi mọi người nghĩ về em”. Tương tự, nhiều học sinh Trường Tiểu học V.A. (quận 1) tỏ ra phấn khích khi nhận được giấy khen với lời đề tặng như “Cánh chim đầu đàn của các bạn lớp trưởng khối 5” hay “Công dân trẻ tiêu biểu khối 4”…
Sự động viên của thầy cô chính là phần thưởng lớn nhất cho những cố gắng của học sinh
Song song đó, vẫn còn nhiều nơi học sinh phải nhận những giấy khen có nội dung khen thưởng cho có như “đạt học sinh toàn diện học kỳ 1 năm học 2015-2016”, “hoàn thành chương trình lớp học”, “có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện”… Lý giải điều này, giáo viên một trường tiểu học ở Phú Nhuận cho biết, do Điều 16 của Thông tư 30 chỉ quy định khen thưởng chung chung ở ba mặt phẩm chất, năng lực và thành tích học tập các môn nên thầy cô phải cân nhắc, quyết định khen thưởng học sinh ở khía cạnh nào. “Ví dụ như khen về phẩm chất, quy định gợi ý một số nội dung khen như chăm học, chăm làm, trung thực, yêu gia đình, bạn bè. Hay khen về năng lực, giáo viên sẽ xem xét khả năng vệ sinh thân thể, ăn, mặc đúng cách, làm một số việc phục vụ cho học tập như chuẩn bị đồ dùng học tập ở lớp, ở nhà, mạnh dạn khi giao tiếp của học sinh nhưng tất cả điều này hầu như em nào cũng có. Do đó nếu thầy cô lười suy nghĩ sẽ chọn giải pháp khen an toàn theo kiểu “trăm người như một”. Ngược lại chỉ những ai quan tâm, sâu sát học sinh, chịu bỏ thời gian suy nghĩ, tìm “lời hay ý đẹp” phù hợp với từng em mới thoát khỏi tình trạng giấy khen được nhân bản vô tính”, giáo viên này chia sẻ. Mặt khác, do không còn định lượng nên việc tổ chức khen thưởng hoàn toàn định tính, có trường trao giấy khen cho tất cả học sinh, có nơi chỉ chọn 5-10 em nổi bật nhất để khen thưởng. Điều này vô hình trung đã gây bức xúc, khơi lại tâm lý “chạy” giấy khen của phụ huynh nhiều năm trước.
Ý nghĩa thật sự của khen thưởng
Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 cho biết, ngay trong cuộc họp chuyên môn cuối học kỳ 1, vị này đã nhắc nhở giáo viên toàn trường phải có sự đầu tư, chọn yếu tố nổi bật của từng học sinh để khen thưởng. “Không thể có chuyện một học sinh giỏi đều tất cả môn học, hoặc trong hai em cùng giỏi môn Toán cũng có em nổi trội ở kỹ năng tính toán, em kia có ưu điểm suy luận. Vì vậy, nếu chỉ ghi chung chung hoàn thành tốt môn Toán sẽ không nêu bật được sự cố gắng của từng em”, cô này phân tích. Thêm vào đó, nhiều giáo viên cũng kiến nghị nên có sự phân biệt rạch ròi giữa giấy khen thưởng (vốn mang ý nghĩa động viên, ghi nhận thành tích nổi bật của học sinh) với giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp học. Bởi thực tế hiện nay ở bậc tiểu học, chỉ trong trường hợp học sinh bỏ học hay mắc khuyết tật về tâm thần mới không có khả năng hoàn thành chương trình lớp học, còn lại gần như 100% học sinh đều lên lớp. Do đó, “nếu giấy khen chỉ ghi chung chung hoàn thành chương trình lớp học là một kiểu khen cho có, giấy khen có cũng như không, thiếu tính động viên, gây thiệt thòi cho học sinh”, chị Hồng Khanh, phụ huynh ở quận Gò Vấp, bày tỏ.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc đổi mới hình thức khen thưởng, giảm áp lực thành tích cho học sinh. Tuy nhiên, trước việc trao hoàn toàn quyền chủ động cho giáo viên, bộ, ngành cần có thêm nhiều văn bản hướng dẫn, thường xuyên tổ chức những buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường để việc khen thưởng trở nên hiệu quả, tránh tình trạng đối phó như hiện nay. Ngoài ra, vấn đề giảm tải khối lượng công việc, tập trung nhiều ở các hoạt động sổ sách, báo cáo cũng là một trong những giải pháp giúp giáo viên có thêm thời gian thực hiện tốt những công việc còn lại, trong đó có khen thưởng. Nói như nhận định của một hiệu trưởng, thay đổi hình thức mới là một nửa của quá trình đổi mới. Nội dung mới là yếu tố quyết định thành công, mà điều này cần có thêm thời gian và sự nhiệt tâm của những người thực hiện…
MINH QUÂN
Các tin, bài viết khác
- Trao bằng cho 30 chuyên gia năng suất cao cấp các nước vùng sông Mê Kông
- Hà Nội dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2016
- “Sốt ruột” chờ quy chế thi
- Thời gian nộp rút hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ 2016 sẽ ngắn hơn
- TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Hãy suy nghĩ thật khác...”
- Trước ngày 30-1, các trường ĐH-CĐ phải hoàn tất báo cáo đăng ký thông tin tuyển sinh
- Phần Lan giúp Việt Nam đào tạo công nghệ thông tin
- Hướng dẫn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tiểu học
- Lan tỏa mùa Xuân yêu thương
- Hỗ trợ học sinh xây dựng tầm nhìn và lập kế hoạch thực hiện ước mơ