Trong buổi sáng cùng ngày, nhóm phóng viên chúng tôi đang tác nghiệp tại hiện trường trận lũ quét vùi lấp hàng chục ngôi nhà tại xã này thì bất ngờ một dòng nước đục ngầu cuồn cuộn từ đầu nguồn đổ xuống kèm theo tiếng đá rơi. Dòng nước chỉ cao quá đầu gối và chảy rất nhanh chỉ khoảng 30 phút, sau đó thì trở lại bình thường.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch xã Phước Thành chỉ vào dòng nước cho biết đó là lũ ống. Ngay lập tức ông Phức yêu cầu toàn bộ lực lượng chức năng của xã chốt chặn các điểm có nguy cơ sạt lở không cho bà con đến gần. Đồng thời huy động lực lượng sơ tán toàn bộ người dân trong xã về ủy ban xã, Trạm y tế xã và nhà Làng tránh trú.
Đây là ngày thứ 10, hai xã vùng cao: Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đối mặt với tình trạng bị cô lập. Đối với xã Phước Thành, lực lượng chức năng chở nhu yếu phẩm tập kết tại xã Phước Kim để cùng người dân băng rừng cõng hàng về địa phương lo cho hàng trăm người dân mất nhà do lũ quét.
“Mưa lớn từ đêm qua và sáng nay tạo nên lũ ống khiến con đường rừng duy nhất cõng hàng về xã đã bị sạt lở bít lối. Gần 2000 nhân khẩu đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Người dân mất nhà không có chỗ ở, không có quần áo mặc, phải chen chúc nương nhau tại ủy ban xã, nhà Làng. Toàn xã chỉ còn mỗi một phòng kế toán, thủ quỹ là không cho người dân vào ở. Trời mưa lớn kéo dài khiến nguy cơ sạt lở, lũ quét rình rập quanh xã”, ông Phức lo lắng.
Bên cạnh đó, đường dây điện của xã hư hỏng hoàn toàn. Hiện, ủy ban xã sử dụng máy phát điện nhưng chỉ phát khi thật cần thiết. Nguồn nước dùng của xã được lấy từ trên suối nguồn, nay lũ quét gây hư, gãy đường ống, vì vậy người dân phải dùng thau, chậu và các vật dụng hứng nước mưa dùng.
Tỉnh Quảng Nam đã cung cấp đủ gạo cho người dân xã Phước Thành cầm cự khoảng 7 đến 10 ngày, tuy nhiên hiện nay nguy cơ sạt lở đất vây quanh, chính quyền đã sơ tán hết bà con về trụ sở ở tạm. Vì vậy, không có củi để nấu, không có đủ bếp, nồi… để có thể nấu cho hàng nghìn người ăn. Bà con phải chia nhau ra nấu nhiều lần.