Do vậy, rất cần có đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Với công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, ở một số địa phương đã tổ chức tiếp nhận phản ánh của người dân qua mạng xã hội Zalo, Facebook hoặc trang web riêng. Người dân có thể gửi phản ánh, chụp hình, quay video và chuyển cho chính quyền nắm bắt, giải quyết.
Các kênh thông tin riêng còn giúp chính quyền từng địa phương dễ dàng tuyên truyền, cập nhật thông tin, chính sách đến người dân trên địa bàn hoặc nhanh chóng cảnh báo các thủ đoạn, hành vi của đối tượng xấu để người dân cảnh giác. Chẳng hạn, Công an phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TPHCM) lập các nhóm Zalo và Facebook để tiếp nhận thông tin từ người dân nhanh chóng, kịp thời. Trên hệ thống này cho phép tiếp nhận mọi phản ánh, khiếu nại; tạo kênh thông tin trao đổi, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới từng hộ dân ở phường, giúp công tác quản lý của chính quyền đạt hiệu quả cao.
Tuy vậy, nhiều nơi vẫn còn hoạt động theo hình thức cũ. Khi người dân có nhu cầu liên hệ, phải gọi điện trực tiếp thông qua đường dây nóng, hoặc gửi đơn phản ánh, kiến nghị, sau đó chính quyền mới cho xác minh, xử lý. Điều này tạo ra nhiều bất cập, như việc lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, khi có lực lượng đến kiểm tra thì mọi thứ đã dọn dẹp xong, không có bằng chứng vi phạm để xử phạt. Song, sau khi lực lượng chức năng rời đi thì đâu lại vào đấy.
Do đó, chính quyền từng địa phương nên xây dựng kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân riêng và kèm theo đó là thành lập đội phản ứng nhanh một cách đồng bộ. Cách làm này giúp chính quyền nắm bắt đầy đủ thực tế và hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian nên sẽ hài lòng, tin tưởng hơn ở bộ máy chính quyền.