Xây dựng tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh khá vào năm 2030

Sáng 9-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo tại Sóc Trăng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo tại Sóc Trăng

Ngày 25-8-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu của quy hoạch: đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của ĐBSCL. Đến năm 2050, Sóc Trăng là trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL; là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây, với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cảng nước sâu Trần Đề.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, để thực hiện quy hoạch, tỉnh triển khai các đột phá phát triển như huy động mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu cụm công nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực chuyên môn cán bộ; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh gắn với các nghị quyết của Trung ương…

Với truyền thống đoàn kết, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và ý chí cần cù, chăm chỉ, khát vọng không ngừng vươn lên của con người Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng tỉnh sẽ có bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành địa phương phát triển năng động của vùng ĐBSCL.

* Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng là trở thành tỉnh khá vào năm 2030, là một cửa ngõ chính của khu vực ĐBSCL ra Biển Đông thông qua hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và cảng Trần Đề, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng. Tinh thần chung là ĐBSCL phải có một cảng nước sâu, cơ sở chính trị và pháp lý đã có, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thống nhất nhận thức để triển khai thực hiện, cùng với đầu tư cơ bản của Nhà nước, tỉnh Sóc Trăng phải kêu gọi đầu tư để xây dựng cảng nước sâu Trần Đề gắn với khu kinh tế biển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, sau khi công bố quy hoạch, Sóc Trăng cần hết sức khẩn trương, nhanh chóng tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, bởi “thời gian cũng là lực lượng”, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 81 của Quốc hội.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, tặng quà, chúc mừng lễ Sene Đôlta đồng bào Khmer năm 2023 tại Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ và Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương.

Tại các nơi đến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ân cần thăm hỏi và chúc đồng bào phật tử Khmer đón mừng lễ Sene Đôlta ấm áp, vui vẻ và hạnh phúc.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tặng quà cho các chức sắc, nhà sư tiêu biểu của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng; trao tặng 100 căn nhà đại đoàn kết (tổng trị giá 5 tỷ đồng) cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn.

Tin cùng chuyên mục