Chiều 29-7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm “Thu phí không dừng - quyền lợi và trách nhiệm”. Tọa đàm diễn ra ngay trước thời điểm dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) chính thức triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành lắp đặt các làn thu phí còn lại trước ngày 31-7-2022 để triển khai ETC đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 1-8-2022, trong đó triển khai ETC đối với tất cả các tuyến cao tốc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, với các tuyến đường quốc lộ đang đầu tư, nâng cấp theo BOT thì áp dụng ETC, nhưng vẫn dành một làn hỗn hợp để xử lý một số trường hợp chưa đủ điều kiện.
Riêng đối với đường cao tốc, từ ngày 1-8 áp dụng hoàn toàn công nghệ ETC, vì thế tất cả các phương tiện đi vào đường cao tốc phải đủ các điều kiện.
Trường hợp không đáp ứng được thì các chủ phương tiện có thể lựa chọn, vì các đường cao tốc hiện nay đều có đường song hành, ví dụ như cao tốc phía đông có Quốc lộ 1A, tuyến Hà Nội - Hải Phòng có tuyến đường 5… Các phương tiện khi đi vào cao tốc thì bắt buộc sử dụng công nghệ ETC.
Về lộ trình thực hiện ETC, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đối với đường quốc lộ đã lắp trạm thu phí một dừng thì đến năm 2023, toàn bộ sẽ lắp đặt ETC và chỉ dành 1 làn hỗn hợp để xử lý cho thời kỳ quá độ, khi người dân chưa thực hiện đầy đủ.
Đến năm 2025, sẽ thực hiện toàn bộ ETC ở tất cả các trạm thu phí. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, số lượng xe cả nước là 4,8 triệu xe thì hiện nay số lượng xe dán thẻ là 3,5 triệu xe, chiếm 75% số lượng xe trên toàn quốc. Tuy nhiên, số người sử dụng chỉ 50%.
Tỷ lệ sử dụng ETC không đồng đều giữa các vùng miền (tại các tỉnh phía Nam đến ngày 26-7 mới chỉ đạt 40% số lượng dán thẻ). 3-4% chủ phương tiện đã dán thẻ đăng ký nhưng không có nhu cầu đi vào cao tốc hoặc chưa quen với việc nạp tiền vào thẻ. Càng đến ngày 1-8, tỷ lệ dán thẻ ETC càng tăng lên, Bộ GTVT kỳ vọng sẽ hoàn thành khoảng 80-90% trong năm 2022.
Để chuẩn bị cho ngày 1-8, tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước hoàn toàn chỉ thu ETC, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã lường hết những tình huống.
"Có rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đi vào làn ETC không đủ tiền hoặc lỡ đi rồi thì chúng tôi có những phương án phối hợp với người dân để xử lý vừa mang tính nhân văn, vừa tôn trọng nhau, trong đó có việc hướng dẫn làn xe đưa phương tiện đến nơi dán thẻ ngay. Còn những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối, gây mất trật tự thì chúng tôi có chế tài để xử lý theo pháp luật”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an lấy người dân làm trung tâm, do vậy đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm ở trạm thu phí, Bộ Công an cũng đặt tuyên truyền lên hàng đầu.
“Trước mắt, chúng tôi tuyên truyền cho người dân hiểu được quyền lợi của mình khi đi trên cao tốc với dịch vụ thu phí không dừng, đồng thời gắn với trách nhiệm của họ. Chúng tôi chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.
Theo quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123 thì có 3 loại hành vi đối bị xử phạt đối với ETC: không dán thẻ đầu cuối khi đi vào trạm thu phí không dừng; số tiền trên tài khoản không đủ để thanh toán; điều khiển phương tiện đi vào trạm thu phí không dừng.
Lực lượng cảnh sát giao thông tập trung xử phạt vi phạm hành chính qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là hình ảnh, qua đó trích xuất để xử phạt qua thông báo vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người dân.