Hơn 16.000 trẻ được tiêm chủng bằng vaccine ComBE Five

Sáng 8-5, Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác y tế dự phòng tháng 5 và thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP trong thời gian qua và hướng phòng chống trong thời gian tới. 
Trẻ được tiêm chủng đầy đủ sẽ phòng chống được nhiều loại bệnh nguy hiểm
Trẻ được tiêm chủng đầy đủ sẽ phòng chống được nhiều loại bệnh nguy hiểm

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Trung tâm Y tế Dự TPHCM, từ tháng 2-2019 đến nay TP đã triển khai tiêm vaccine ComBE Five cho 16.511 trẻ, đạt 20,4% tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng vaccine ngừa 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib.

Trong số hơn 16.000 trẻ được tiêm chủng bằng vaccine ComBE Five có 1.218 trẻ có các phản ứng nhẹ sau tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng, chiếm 7,3%. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five tại TPHCM tương đương cả nước (từ 7%-10%).

Lý giải về điều này, bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, rào cản lớn nhất là tâm lý của phụ huynh, nhiều người không đồng ý, từ chối tiêm vaccine ComBE Five do lo sợ phản ứng sau tiêm. Mặt khác, nhiều nhân viên y tế cũng lo lắng về các phản ứng này nên khá dè dặt khi tư vấn cho phụ huynh.

"Tại một trạm y tế phường trên địa bàn, dù trạm y tế có phát giấy mời tiêm đến 114 trẻ nhưng chỉ có 23 trẻ đến trạm và thực tế số trẻ được tiêm vacicne ComBe Five chỉ là 6 trẻ. Điều này cho thấy kỹ năng tư vấn của các nhân viên y tế tại trạm y tế rất kém"- bác sĩ Lê Hồng Nga nhận định.

Thời gian tới, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM sẽ yêu cầu các quận, huyện giám sát chặt chẽ công tác quản lý đối tượng tiêm chủng của các trạm y tế phường, xã. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế phụ trách công tác tiêm chủng tại trạm y tế.

Ngoài ra, các trạm y tế cũng cần tăng tần suất buổi tiêm chủng thêm từ 1-2 buổi trong một tháng hoặc thực hiện tiêm chủng vào ngày thứ 7 để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục