4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên

Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên quy định có 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên, gồm: Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; Khi thi hành lệnh thiết quân luật; Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; Để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên, dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật này. Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Theo dự thảo Luật này, lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Đáng chú ý, dự thảo luật này quy định có 4 trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên, gồm: Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; Khi thi hành lệnh thiết quân luật; Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; Để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, dự thảo nêu: nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu; nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

Một số ý kiến đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi cho phù hợp với thực tiễn; có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp, khó khăn trong sắp xếp đơn vị dự bị động viên, không thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự. Việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Khi có chiến tranh, việc gọi quân nhân dự bị vào phục vụ tại ngũ thực hiện theo hai luật trên và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để tránh trùng lặp và bảo đảm thống nhất, UBTVQH đã bỏ cụm từ "thuộc bộ đội chủ lực" và thống nhất sử dụng cụm từ "không quá” để chỉ độ tuổi cao nhất của quân nhân dự bị như Điều 17 dự thảo Luật trình Quốc hội.

Về chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên, một số ý kiến cho rằng, quy định quân nhân dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp là chưa phù hợp, vì chỉ khi họ đi huấn luyện thì gia đình mới được hưởng phụ cấp và ngân sách khó bảo đảm; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn để có cơ sở thực hiện. UBTVQH cho rằng, quy định hiện hành chỉ quy định quân nhân dự bị và gia đình họ được hưởng phụ cấp trong thời gian quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu. Để bảo đảm tương xứng với chế độ, chính sách của sĩ quan dự bị đã đăng ký cũng được hưởng phụ cấp và động viên hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định chung “quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp” là phù hợp, góp phần bảo đảm công bằng hơn trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. 

Thảo luận về dự thảo luật này, hầu hết các ý kiến phát biểu đều tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng dự bị động viện nhằm xây dựng lực lượng này vững mạnh, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh…

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, chế độ chính sách cho lực lượng dự bị cần thỏa đáng. ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) thì cho rằng, về độ tuổi, dự thảo quy định như vậy là không phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự; nên điều chỉnh độ tuổi này phù hợp với luật khác cũng như sát với tình hình địa phương. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, độ tuổi của quân nhân dự bị không quá 35, 40 như dự thảo là phù hợp, vì chúng ta sẽ bổ sung lực lượng dự bị thường xuyên. Về vấn đề tuổi, một số ĐB cũng đồng tình với giải trình của UBTVQH.

Tin cùng chuyên mục