Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê TP Đà Nẵng cho biết, tình hình kinh tế xã hội TP Đà Nẵng đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực kể từ cuối quý I/2022. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực kinh tế đã tăng trưởng bứt phá, đóng góp tích cực cho tăng trường chung của quý II và 6 tháng đầu năm năm 2022.
Cụ thể, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2022 ước tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 21,37% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 1,96% của quý trước.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 4,78% của 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 7,92%.
Ngoài ra, quỹ đạo phục hồi kinh tế của TP Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn bứt tốc. Với mức tăng trường 7,23%, 6 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng trưởng GRDP và xếp thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Với những kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 2 về quy mô và tốc độ tăng trưởng GRDP trong khối 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sau tỉnh Quảng Nam.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20-6 đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 3.666 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.299 tỷ đồng.
Trong tổng thu ngân sách Nhà nước, hoạt động thu nội địa có những dấu hiệu tích cực, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20-6 đạt 12.206 tỷ đồng, bằng 80,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.743 tỷ đồng, bằng 63,8% so với cùng kỳ năm 2021; chi thường xuyên đạt 7.461 tỷ đồng, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm trước.
TP Đà Nẵng cũng đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2022, gồm: Tiếp tục khôi phục hoạt động du lịch trên cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động và cộng đồng. Cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước sản xuất, triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm cuối năm…
Đối với lĩnh vực sản xuất, cần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất cá thể đối với công nghệ...
Về lĩnh vực đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa, có kế hoạch đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu...