Ăn tết, chơi tết

Xã hội bây giờ, nhiều gia đình lựa chọn đi "chơi tết", thay vì quan niệm ở nhà "ăn tết". Đây cũng là xu hướng "sống xanh", "sống đơn giản", dành thời gian tận hưởng giá trị cuộc sống đang là trào lưu của nhiều gia đình, nhất là những gia đình trẻ.

Ngày còn nhỏ, tôi vẫn nghe cha thường nói với mẹ mỗi dịp năm hết, tết về: “Dù có khó khăn đến mấy, anh vẫn cố lo cho các con có tết, không để chúng thua thiệt mà tủi thân với bạn bè”. Chúng tôi cứ vô tư mà tận hưởng những cái tết đủ đầy trong vòng tay yêu thương, bao bọc của cha mẹ. Chúng tôi có thức ăn ngon, có quần áo mới mà không hề biết, để có được như vậy, có những năm khó khăn quá, cha mẹ đã phải bán đi những kỷ vật thiêng liêng của tình nghĩa vợ, chồng để lo tết cho các con.

Bây giờ, đời sống đã thay đổi, gia đình nào cũng có một cái tết đủ đầy. Đủ đầy đến mức, các con tôi còn sợ béo vì quá ngấy với những món ăn ngày tết. Nhưng theo tập tục, ngày nào cũng phải duy trì mâm cơm cúng với các món truyền thống để dâng lên ông bà tổ tiên cho đến khi hóa vàng tiễn các cụ về âm giới. Vậy là, ngày nghỉ tết lại là những ngày bận rộn nhất: Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa; sắm tết; về quê nội, quê ngoại thắp hương mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ về nhà mình ăn tết; cơm cơm, nước nước xong, lại ngồi túc trực chờ khách đến chơi, rồi đáp lễ đi chúc tết lại từng nhà...

Xã hội bây giờ phát triển, người ta đi “chơi tết” chứ không ai lo “ăn tết” như cha mẹ. Hãy tận dụng những ngày nghỉ hiếm hoi trong năm mà đi du lịch, khám phá cho biết đây, biết đó”, con trai thấy vợ chồng tôi có vẻ mệt mỏi vì những công việc ngày tết đã khuyên như vậy. Nó còn nói: “Với tổ tiên, ông bà chỉ cần tấm lòng thành; mâm cao cỗ đầy các cụ có ăn được đâu. Cha cứ thắp hương xin phép các cụ, con tin các cụ sẽ đồng ý và phù hộ cho con cháu đi đến nơi, về đến chốn”.

Tôi đã suy nghĩ về những lời con tôi nói. Đúng là, đã đến lúc phải thay đổi trong nếp nghĩ để giải phóng mình, tận hưởng quãng thời gian nghỉ ngơi thoải mái nhất của cả gia đình. Vậy nên, tôi quyết định, năm nay cả nhà sẽ đi du lịch.

Trước ngày lên đường, vợ chồng tôi làm một mâm cơm báo cáo tâm nguyện đó với ông bà, tổ tiên. Tôi cũng không quên nhắn tin chúc tết sớm những người thân quen, anh em họ hàng và hẹn khi đi chơi về sẽ gặp mặt.

1-9620.jpg
Hai vợ chồng tác giả chụp ảnh lưu niệm tại bờ biển thành phố Nha Trang

Cả gia đình tôi hồ hởi mua vé máy bay vào thành phố Nha Trang, nơi có nắng vàng rực rỡ, có những vịnh biển được đánh giá nằm trong tốp đầu của thế giới, với những hòn đảo lớn nhỏ trải dọc theo chiều dài thành phố.

Lần đầu tiên, được rảnh rang, không phải bận bịu với mâm cỗ cúng giao thừa, cả gia đình tôi hòa vào dòng người đón chờ thời khắc bước sang năm mới tại công viên biển trên đường Trần Phú, thưởng thức những màn pháo hoa mãn nhãn.

Ngày mùng 1 Tết, chúng tôi đi tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng ở Nha Trang – Khánh Hòa như tháp bà Ponagar, nhà thờ đá, chùa Long Sơn… Thay vì bánh chưng, nem rán, giò xào, canh măng ngoài Bắc…, chúng tôi thưởng thức bánh tét và ngon miệng với những món ăn đặc sản ở miền đất “xứ trầm, biển yến”, đặc biệt là các loại hải sản tươi ngon.

2-1-1603.jpg
Tác giả và các con chụp ảnh tại Vinpearl Nha Trang

Lần đầu tiên cả gia đình được đi chơi tết, tâm lý thật thoải mái, chúng tôi chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm rồi đăng lên mạng xã hội. Thật ấm áp khi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ người thân, bạn bè.

Tết là để “đoàn viên, sum vầy”, nhưng chúng ta có thể đoàn viên, sum vầy bất cứ ở đâu, không nhất thiết phải trong ngôi nhà của mình.

Một chuyến du xuân đầy ý nghĩa, nó gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt, chuyến đi đem lại niềm vui, sự hứng khởi, tiếp thêm năng lượng tích cực để các thành viên trong gia đình bước vào một năm lao động và học tập mới.

TRẦN MINH

Quận Đống Đa, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục