Báo cáo về tình hình nhân dân phải phản ánh được nỗi lòng của người dân

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, trong đó hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các sự kiện lớn của đất nước.
Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác mặt trận năm 2022, ngày 18-1
Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác mặt trận năm 2022, ngày 18-1

Ngày 18-1, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2022. Tham dự có đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên, các ban, đơn vị cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng hơn 1.800 đại biểu tại 63 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đã quán triệt một số định hướng cho từng nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận năm 2022.

Theo đó, với chủ đề công tác năm 2022 là "Đoàn kết, dân chủ; năng động, sáng tạo; tận tụy, trách nhiệm; chất lượng, hiệu quả", Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc công tác Mặt trận năm 2022. Kết quả năm 2022 sẽ tạo tiền đề, động lực cần thiết, quan trọng, có tính chất quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ 9, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, trong đó hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các sự kiện lớn của đất nước; các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt là phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông quan trọng…

Bên cạnh đó cần phát huy đa dạng các kênh thông tin để tổng hợp, nắm bắt và xây dựng báo cáo về tình hình nhân dân. Các Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của MTTQ phải chủ động nắm bắt thông tin về tình hình nhân dân, về hội viên, đoàn viên, về lĩnh vực mình đang phụ trách, theo dõi và kịp thời báo cáo về MTTQ cấp trên làm cơ sở xây dựng, tổng hợp thành báo cáo tình hình nhân dân của MTTQ từng cấp.

“Phải làm sao, báo cáo tình hình nhân dân phải phản ánh được nỗi lòng, sự mong mỏi và phản ánh bức tranh chân thực, sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, đồng chí Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Báo cáo về tình hình nhân dân phải phản ánh được nỗi lòng của người dân ảnh 1 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu 

Thứ hai là chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả và cách thức triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Đặc biệt, trong năm 2022, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh vận động toàn dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phát huy tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc để cùng với chính quyền địa phương các cấp cho lo đời sống an sinh cho người dân nghèo, gia đình chính sách, người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ ba, kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác mặt trận trong giai đoạn hiện nay. Để những kiến nghị sau giám sát sẽ toàn diện, thực tiễn và mạnh mẽ hơn, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị hoạt động giám sát, phản biện xã hội cần tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư tri với giám sát, phản biện xã hội.

Theo đó, trên cơ sở kết quả nắm tình hình nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ta xác định lựa chọn những vấn đề cần phải làm rõ, để từ đó xây dựng Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Đối với các địa phương, công tác giám sát, phản biện xã hội cần hướng vào những điểm nóng, những vụ việc cụ thể mà nhân dân quan tâm; chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy giao MTTQ tham gia từ đầu, từ sớm vào quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết sách lớn của địa phương; các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động lớn đến người dân, như các dự án phải thực hiện thu hồi đất, dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, phải đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến nhân dân… Cần phát huy sự tham gia của các chuyên gia, người làm thực tiễn vào công tác giám sát, phản biện xã hội, đa dạng thành phần tham gia công tác giám sát, phản biện để đảm bảo tính đa dạng, tính đại diện, tính chuyên sâu.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, kêu gọi, vận động và có giải pháp thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ năm, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cần chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai hiệu quả những nội dung chương trình hành động đã đề ra. Trước mắt, MTTQ các cấp cần tập trung rà soát danh sách, đối tượng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tin cùng chuyên mục