Bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP

Ngày 16-5, Trường đại học Đông Á (Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo khoa học Chủ đề Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP.
Các phiên báo cáo tham luận tại Hội thảo Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP
Các phiên báo cáo tham luận tại Hội thảo Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP

Hội thảo có sự tham gia đến từ đại diện Sở NNPTNT TP Đà Nẵng, Trung tâm trọng tài thương mại miền Trung, các văn phòng luật sư, các doanh nghiệp OCOP tại Đà Nẵng, giảng viên luật các trường đại học cùng hơn 150 sinh viên ngành Luật và Luật Kinh tế Đại học Đông Á.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu vừa phân tích, tổng quan về luật pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay; nhu cầu tất yếu khách quan phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP; thủ tục hành chính về bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP, vai trò của bảo hộ sản phẩm nông nghiệp từ kinh nghiệm một số quốc gia cũng như bài học về xây dựng và bảo vệ thương hiệu là các sản phẩm nông nghiệp thuộc chương trình OCOP nhìn từ vụ việc bảo hộ Gạo ST25 của Việt Nam hay kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên nhìn nhận từ khía cạnh pháp luật và chính sách,…

Trong các địa phương, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương rất chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. TP Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó, có 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm thương mại đặc trưng và 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố với 59 đơn vị tham gia cả 3 chương trình (25 doanh nghiệp, 27 hộ kinh doanh, 6 hợp tác xã và 1 làng nghề).

Các đơn vị chức năng TP Đà Nẵng đã hỗ trợ phát triển 32 sản phẩm đặc trưng của thành phố xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận góp phần gia tăng giá trị nông sản, phát triển thương hiệu cộng đồng. Tiêu biểu như Nước mắm Nam Ô, Bưởi Hòa Ninh, Khô mè Quang Châu, Chè dây Hòa Bắc, Kiệu hương Hòa Nhơn, Gà đồi Đồng nghệ, Trứng cút Hòa Phước...

Tuy nhiên, vấn đề hành lang pháp lý và pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP, hiện vẫn chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức.

Với các vấn đề, hội thảo được kỳ vọng sẽ mang đến các sáng kiến, qua đó góp phần kiến nghị nhà nước hoàn thiện pháp luật về bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay.

Tin cùng chuyên mục