Bắt nhịp chuyển đổi số trong khám chữa bệnh

Những năm qua, các đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và phục vụ người bệnh. Nhiều giải pháp chuyển đổi số được ứng dụng, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt y tế thành phố.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh, tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân tại Bệnh viện Bình Dân
Người dân đăng ký khám chữa bệnh, tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân tại Bệnh viện Bình Dân

Công nghệ - trợ thủ đắc lực

Mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Bình Dân tiếp nhận hơn 2.000 người bệnh đến khám, điều trị ngoại trú và gần 900 người bệnh điều trị nội trú. Nếu như trước đây, điều dưỡng của BV phải viết tay 5 biểu mẫu trên giấy sau khi chăm sóc người bệnh, thì giờ đây BV đã phát triển các nội dung trên 1 biểu mẫu điện tử, giúp rút ngắn thời gian ghi chép. Các thông số như mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh được vẽ tự động ngay khi nhập các dữ liệu. Chỉ cần một chiếc máy tính bảng, điều dưỡng có thể truy cập nhanh tất cả các hồ sơ người bệnh, y lệnh điều trị từ các bác sĩ mà không cần mang theo hồ sơ giấy khi chăm sóc người bệnh tại giường bệnh như trước.

Theo ban giám đốc BV Bình Dân, ngay từ đầu năm 2022, BV đã ưu tiên triển khai chuyển đổi số, hướng đến hoàn thiện bệnh án điện tử. Toàn bộ mã nguồn do đội ngũ kỹ sư CNTT của BV thực hiện và hoàn thiện theo yêu cầu thực tế trong hoạt động khám, điều trị. Đến nay, gần như các module trong hồ sơ bệnh án đã được làm xong và hoạt động suôn sẻ, đạt yêu cầu theo quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, BV ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hướng dẫn người dân về các thông tin như lịch khám, chi phí, những điều cần lưu ý khi thăm khám...

Tương tự, BV Thống Nhất đã đưa vào sử dụng thẻ thông minh để phục vụ người bệnh từ năm 2020, mang lại hiệu quả lớn cho cả người bệnh và bác sĩ. Người dân khi đến khám tại BV đều được phát một thẻ khám bệnh thông minh dùng để đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; lựa chọn bác sĩ, phòng khám theo yêu cầu; thanh toán viện phí và các dịch vụ ngay tại ki ốt được đặt ở các lối đi.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, BV Thống Nhất, cho biết, từ khi đưa vào sử dụng thẻ khám bệnh thông minh, người bệnh đã giảm được thời gian chờ đợi. Trong khi đó, nhân viên y tế cũng giảm bớt áp lực công việc. Việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip (do ngành y tế TPHCM phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện) cũng giúp người dân khi đi khám chữa bệnh không cần mang thẻ bảo hiểm y tế; nhân viên y tế không mất thời gian thao tác, nhập liệu thông tin.

Chỉ cần cú nhấp chuột

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, nếu như trước đây các cơ sở khám chữa bệnh khi có thay đổi thông tin liên quan đến giấy phép hoạt động hoặc thay đổi nhân sự hành nghề thì sẽ phải gửi hồ sơ giấy về sở y tế xem xét, thì giờ đây chỉ cần cập nhật thông tin thay đổi bằng hình thức trực tuyến. Thông tin sẽ được xử lý trong vòng 5 ngày làm việc và sẽ được công khai trên cổng tra cứu của ngành tại địa chỉ https://thongtin.medinet.org.vn.

Việc này nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề theo đúng quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin đến người dân; cơ quan Bảo hiểm xã hội giám sát, rà soát và xác định quá trình hành nghề hợp pháp tại cơ sở khám chữa bệnh trong việc quyết toán bảo hiểm y tế.

Đồ họa: NGỌC TRÂM

Đồ họa: NGỌC TRÂM

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng tiến hành chuyển đổi số trong công tác thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật, giúp rút ngắn nhiều công đoạn, tiết kiệm thời gian đi lại của các chuyên gia, tiết kiệm giấy mực do không phải photocopy ra nhiều bản gửi đến các chuyên gia để thẩm định.

Việc hình thành dữ liệu lớn về danh mục kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh là nền tảng quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát, kiểm tra sự tuân thủ các danh mục kỹ thuật được phê duyệt; đồng thời giúp công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, cùng giám sát và kịp thời phản ánh những cơ sở thực hiện các kỹ thuật chưa được phê duyệt. Đến nay, đã có gần 50.000 kỹ thuật của tất cả BV công lập, ngoài công lập thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Y tế TPHCM được số hóa và người dân có thể dễ dàng tra cứu trên cổng thông tin điện tử của ngành.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện ngành y tế thành phố đưa ra những khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng BV thông minh. “Chuyển đổi số được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hàng năm của BV, do giám đốc BV trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đồng thời cần phổ biến và quán triệt đến từng viên chức, người lao động trong BV để có nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số; ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng CNTT, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách CNTT được học tập nâng cao trình độ”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG NAM, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế):

Hình thành kho dữ liệu chuyên ngành

Hiệu quả của chuyển đổi số trong ngành y tế được thể hiện rất rõ đối với cả BV, người bệnh và ngành y tế. Việc chuyển đổi số, đặc biệt là số hóa BV, sẽ hình thành các kho dữ liệu chuyên ngành, các kho dữ liệu về khám chữa bệnh, kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử. Các kho dữ liệu này được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc, giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân. Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành các hệ thống dữ liệu lớn của ngành y tế, từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại (như công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, để phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật, dự báo.


TS-BS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức

Hiện còn nhiều khó khăn và thách thức khi triển khai hoạt động chuyển đổi số đối với các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM, đó là: nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại các đơn vị còn thiếu, yếu do chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức; các quy định, quy trình nội bộ chưa kịp thay đổi để phù hợp thực tế; tư duy chuyển đổi số của cán bộ, nhân viên dù được nâng cao nhưng năng lực số chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế... Điều đó dẫn đến hiệu quả trong việc triển khai đồng bộ chuyển đổi số tại các cơ sở y tế chưa rõ ràng, chưa được như sự mong đợi của nhà quản lý. Trong năm nay, ngành y tế thành phố sẽ khởi động 2 hoạt động trọng tâm mang ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi số của ngành: xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố, và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế.

NGUYỄN QUỐC - THÀNH SƠN ghi

Tin cùng chuyên mục