Bệnh đậu mùa khỉ ít có nguy cơ thành đại dịch

Mặc dù ngày càng nhiều nước ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng căn bệnh này ít có nguy cơ trở thành đại dịch như Covid-19. Đây là nhận định của các chuyên gia y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, vẫn cần biện pháp quản lý thích hợp khi tiếp xúc với ca bệnh.
Nghiên cứu virus gây bệnh đậu mùa khỉ tại Đức. (Ảnh: Reuters)
Nghiên cứu virus gây bệnh đậu mùa khỉ tại Đức. (Ảnh: Reuters)

Có thể kiểm soát

Theo ông Paul Hunter, Giáo sư y khoa của Trường Y Norwich thuộc Trường Đại học East Anglia (Anh), các nước có thể kiểm soát được bệnh đậu mùa khỉ do đã có vaccine khá hiệu quả - là loại vaccine được dùng để chống bệnh đậu mùa. Điều đặc biệt là vaccine này có thể dùng tiêm cho những người sau khi tiếp xúc với ca bệnh. Do đó, cách thức để có thể kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ là xác định nhanh nhất các ca mắc, sau đó tiêm vaccine cho tất cả các ca tiếp xúc gần. Hiện ít nhất 15 nước trên thế giới ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 160 ca.

Đáng chú ý, nhiều nước không thuộc khu vực Tây và Trung Phi - vốn là nơi chủ yếu lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Nước Anh hiện đang dẫn đầu với 56 ca, các ca còn lại ở Tây Ban Nha (41 ca), Bồ Đào Nha (37 ca). Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Thụy Điển và Thụy Sĩ mỗi nước có 1 ca. Ngoài châu Âu, các ca còn lại ở Mỹ, Canada, Australia và Israel. Các ca bệnh đậu mùa khỉ cho đến nay đều nhẹ, chưa có trường hợp nào tử vong. 

Các quan chức y tế cho biết, hầu hết ca đậu mùa khỉ ở châu Âu là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần với người bệnh, quần áo hoặc drap trải giường của họ. Các nhà khoa học cho biết sẽ rất khó phân biệt được liệu sự lây lan có phải do quan hệ tình dục hay chỉ đơn thuần là tiếp xúc gần gũi. Trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ bị nặng hơn người lớn, điển hình là tại châu Phi.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, đây không phải là căn bệnh dễ lây lan, vì vậy, có thể không gây nhiều rủi ro cho dân chúng dù rằng số ca mắc có thể tăng lên trong những tuần tới. Với một bộ phận người dân có nguy cơ, vẫn cần biện pháp quản lý thích hợp khi họ tiếp xúc với ca bệnh.

Chưa cần tiêm đại trà vaccine

 Tiến sĩ Rosamund Lewis, người đứng đầu Văn phòng Bệnh đậu mùa thuộc Chương trình khẩn cấp của WHO, khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy virus đậu mùa khỉ đã có biến chủng, đồng thời nhấn mạnh rằng căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu ở Tây và Trung Phi này không có xu hướng đột biến.

Cũng theo WHO, hiện chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Reuters, ông Richard Pebody, người đứng đầu nhóm chuyên trách về mầm bệnh có nguy cơ cao tại Văn phòng WHO châu Âu, nhấn mạnh, nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus hiện vẫn khá hạn chế. Trong khi đó, các loại vaccine để ngăn ngừa đậu mùa khỉ có thể gây ra các tác dụng phụ.

Cũng theo ông Pebody, hầu hết trường hợp mắc bệnh không liên quan đến việc đi lại tới châu Phi, điều này cho thấy có thể có nhiều ca mắc chưa được phát hiện. Một số quan chức y tế cho rằng, đã có sự lây lan trong cộng đồng và các ca được xác nhận mắc bệnh mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Tuyên bố trên được ông Pebody đưa ra trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đang trong tiến trình cung cấp các liều vaccine Jynneos để ngăn ngừa đậu mùa khỉ.

Trong khi đó, Chính phủ Đức thông báo đang đánh giá các phương án tiêm chủng, trong khi Anh đã tiêm chủng cho một số nhân viên y tế.

Tin cùng chuyên mục