Bộ trưởng Bộ Tài chính phản biện trước đề xuất giảm thuế, phí

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Tư duy của tôi hơi khác ĐB Ngân. Để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế thì phải tập trung gỡ nút thắt pháp lý, nút thắt thủ tục đầu tư, nút thắt môi trường, nút thắt chất lượng sản phẩm, nút thắt tín dụng chứ không có nghĩa cứ giảm thuế, phí”.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) tranh luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) tranh luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phản ánh ý kiến cử tri cho rằng, mức trừ giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng với cá nhân nộp thuế và 4 triệu đồng với người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hàng năm và tình hình kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn.

bao-tran-3865.jpeg
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) chất vấn Bộ Tài chính về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân

“Bộ Tài chính có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế TNCN và người phụ thuộc trong thời gian tới chưa, mức giảm trừ bao nhiêu là phù hợp?”, nữ ĐB hỏi.

Cùng bày tỏ quan tâm đến vấn đề thuế, phí, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng đề nghị bộ trưởng quan tâm, điều chỉnh chính sách theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN mới góp phần tăng tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thời gian tới.

image3-4131.jpeg
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bày tỏ quan tâm đến vấn đề thuế, phí. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Cần có giải pháp đột phá, nhất là giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, vì số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn”, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Trả lời ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với những phản ánh về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng.

phoc-nghieng-8041.jpeg
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lập luận, giảm thuế, phí là giảm sức mạnh tài chính công

“Tuy nhiên việc tính thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh, bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế TNCN. Dự kiến năm 2025 sẽ sửa Luật Thuế TNCN, khi đó bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan để từ đó xây dựng phương án, trình Quốc hội”.

Với ĐB Trần Hoàng Ngân, ông Hồ Đức Phớc khẳng định, vừa qua Quốc hội đã quyết định giảm nhiều khoản thuế, phí. Nhưng, giải pháp này có những giới hạn nhất định. “Tư duy của tôi hơi khác ĐB Ngân. Để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế thì phải tập trung gỡ nút thắt pháp lý, nút thắt thủ tục đầu tư, nút thắt môi trường, nút thắt chất lượng sản phẩm, nút thắt tín dụng chứ không có nghĩa cứ giảm thuế, phí”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lập luận, thuế, phí là nguồn thu ngân sách. Cứ giảm thuế, phí thì giảm sức mạnh tài chính công, trong khi đất nước đang còn bội chi ngân sách. Như thế sẽ không hiệu quả, ảnh hưởng đến hệ thống, đến cả nền kinh tế. Khi doanh nghiệp làm ăn được họ không nợ thuế, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu, không nợ bảo hiểm, họ có tích lũy thì đất nước sẽ hùng mạnh.

Về nhận xét của ĐB Trần Hoàng Ngân, liên quan đến chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng ý với ý kiến của ĐB, đồng thời thừa nhận việc sử dụng từ “có thể được giảm” trong phần trả lời chất vấn trước là chưa chính xác. Theo Bộ trưởng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng đã được quyết định áp dụng cho cả năm 2024.

Tin cùng chuyên mục