“Bóng hồng” trên mặt trận chống dịch

Ngày 20-10, với nhiều chị em là bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến, là tình nguyện viên, hay cán bộ công chức xông pha ở mặt trận phòng chống dịch Covid-19 - là một ngày rất khác. Họ chỉ mong ngày ấy thật ít bệnh nhân phải nhập viện, không có người chuyển biến nặng, người dân được nhận những phần quà an sinh đủ đầy. Với họ, đó chính là món quà ý nghĩa nhất.

Nữ chỉ huy năng động

Có cái hẹn với Chủ tịch UBND phường 19 (quận Bình Thạnh, TPHCM) Bùi Thị Hồng Quế tại UBND phường lúc 9 giờ. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc chị chạy xe máy vào cơ quan. “Sáng tôi chạy một vòng các khu dân cư, rồi đến điểm tiêm vaccine, nếu có phát sinh gì thì mình giải quyết cho kịp”, chị Hồng Quế mở đầu câu chuyện. 

Đầu tháng 7-2021, phường 19 có các ca F0 tăng dần. 0 giờ ngày 22-7, quận Bình Thạnh quyết định phong tỏa toàn phường 19 với hơn 19.000 dân. “Có hôm phường phát hiện 80 F0. Là địa phương đầu tiên của quận bị phong tỏa, bên cạnh tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên, chúng tôi cũng vừa làm vừa rút kinh nghiệm dựa trên tình hình thực tế. Quan trọng nhất là tìm cách chăm lo an sinh xã hội để an lòng dân, đồng thuận cùng chính quyền chống dịch”, chị Hồng Quế chia sẻ.

Là chủ tịch phường, kiêm trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, hầu như ngày nào chị Quế cũng cùng anh em làm việc từ 6 giờ sáng, có hôm đến 12 giờ đêm. Khi ấy, phường 19 chỉ có 2 cửa hàng tiện ích, nên ngoài mô hình đi chợ giúp dân, chị Hồng Quế kết hợp vài tiểu thương có nguồn hàng tập kết hàng về một nơi và bán với giá bình ổn cho người dân. Nhờ thường xuyên đến với dân, chị biết khu nào nhiều hộ khó khăn để khi có túi an sinh, nguồn thực phẩm nhà hảo tâm tài trợ, chị lại ưu tiên gửi đến.

Hiểu cái khó của nhà có F0 phải cách ly, chị Quế chỉ đạo anh em khi đến trực chiến thì mang theo túi quà hỗ trợ. Nhà nào có trẻ em thì thêm phần sữa tươi, trứng; nhà nào khó khăn, có người mất, chị lại vận động kinh phí hỗ trợ mai táng.

Những ngày đầu tháng 8, khi triển khai tiêm vaccine trong dân, chị Quế nhận luôn vai tổ dân phố, đi vận động, phát giấy đăng ký tiêm đến từng nhà để dân ghi sẵn thông tin. Nhờ đó, chỉ sau 10 ngày, phường 19 đạt trên 86% người dân (từ 18 đến dưới 65 tuổi) tiêm mũi 1. Phường 19 cũng là địa phương tại quận thí điểm tổ chức đoàn đến nhà tiêm vaccine cho người già yếu, người khuyết tật không đi lại được.

Nghĩ đến người khác mà cố gắng

Là một trong những nhân viên y tế đầu tiên làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 3 từ ngày đầu thành lập, đến nay đã 105 ngày bác sĩ Bùi Thị Kim Kha (Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện cơ sở 2) chưa về nhà. Những ngày đầu bệnh viện đi vào hoạt động, thiếu thốn đủ thứ, trong khi số lượng bệnh nhân nhập viện rất đông, nhiều ca chuyển nặng. Y bác sĩ và nhân viên y tế phải vừa làm nhiệm vụ điều trị, vừa phục vụ hậu cần. “Khi ấy, mọi thứ ngoài sức tưởng tượng của tôi”, nữ bác sĩ trẻ tâm sự.

“Bóng hồng” trên mặt trận chống dịch ảnh 1 Bác sĩ Bùi Thị Kim Kha tận tụy chăm sóc sức khỏe các F0 tại bệnh viện. Ảnh: VŨ TÂN

Khó khăn là thế nhưng bác sĩ Kim Kha chưa hề nản lòng. Những ngày này, TPHCM bước vào giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Bệnh viện Dã chiến số 3 cũng đi qua những ngày tháng căng thẳng nhất. Nhiều anh em y bác sĩ, nhân viên y tế đoàn tụ gia đình sau nhiều tháng xa cách. Nhưng bác sĩ Kha vẫn xin ở lại cho đến khi bệnh viện kết thúc sứ mệnh của mình. Bác sĩ trẻ tâm sự: “Tôi sống một mình nên xin tiếp tục ở lại để những anh, chị, em có gia đình được đoàn viên cùng người thân”.

Từng là F0, nên khi vào bệnh viện để chăm mẹ mắc Covid-19, chị Lê Hồng Xuân Phương (phường Tân Phong, quận 7) xung phong chăm cả các bệnh nhân khác. Từ chăm vài người rồi đến cả tầng gần 100 bệnh nhân nặng nhất điều trị tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 quận 7 số 1 - nơi mẹ chị nằm - chị đều chăm lo. Thời điểm đó, nhân viên y tế thiếu, bệnh viện quá tải nên việc chăm sóc bệnh nhân cũng còn hạn chế, vậy là chị Phương chủ động phụ giúp luôn.

Vừa chăm sóc, chị kiêm luôn tư vấn tâm lý, động viên tinh thần. Khi nhờ người thân bên ngoài mua sữa, bỉm cho mẹ thì chị nhờ mua dư thêm nhiều phần tặng mọi người. 2 chiếc bàn chứa đầy sữa, bỉm, bánh, trái cây được chị đặt ngay trong sảnh, ai cần thì lấy. Bạn bè, người thân biết chuyện cũng gom góp chút ít cùng chị chăm lo thêm cho người bệnh. Nhờ sự tận tình, kiên cường của chị Phương, sự chăm sóc chu đáo của y bác sĩ mà nhiều bệnh nhân dần khỏe lại.

Trong những ngày dịch bệnh, bà Ứng Thị Liên, tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6) rất nhiệt tình đến các khu nhà trọ, khu cách ly để trao tặng quà cho người dân khó khăn. Dù tuổi cao, gia đình cũng gặp khó do ngừng buôn bán, nhưng thấy nhiều người thiếu thốn do dịch, bà và các con dành hơn 100 triệu đồng mua rau củ, gạo từ các tỉnh để mang đi tặng. Rồi bà vận động bạn bè, các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. Không chỉ tặng thực phẩm, bà còn vận động bình oxy, túi thuốc cho bà con. Gần đây, khi các tỉnh thành có nhiều ca F0, bà lại mua khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay y tế gửi đi các tỉnh thành...

Tin cùng chuyên mục