Ngày 11-3, liên quan tới việc một số quốc gia đưa ra quy định người có “hộ chiếu vaccine” có thể không cần cách ly khi nhập cảnh, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi gì về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Người nhập cảnh vào Việt Nam dù đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hay còn gọi là có “hộ chiếu vaccine” vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất là 2 lần như các trường hợp khác.
Theo ông Trần Đắc Phu, vấn đề “hộ chiếu vaccine” còn gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế.
Bởi lẽ hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa dịch Covid-19 lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vaccine toàn cầu còn hạn chế. Cùng với đó phải lưu ý đến các rủi ro, vì trước đây để nghiên cứu ra một loại vaccine cần 4-5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vaccine Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Do đó, có thể có những vấn đề chúng ta chưa biết hết như: hiệu lực bảo vệ của vaccine, thời gian kháng thể tồn tại trong cơ thể... Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới. “Mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp “hộ chiếu vaccine” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly” - ông Trần Đắc Phu gợi mở và nhấn mạnh đến việc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K, là biện pháp phòng dịch hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Tại Việt Nam, vừa qua nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine Covid-19 của Moderna (Mỹ), AstraZeneca… Tuy nhiên, ngày 1-3, AstraZeneca có thư khẳng định, ngoài Chương trình COVAX, Quỹ UNICEF và Công ty CP Vaccine Việt Nam (VNVC), doanh nghiệp không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vaccine tại Việt Nam. Moderna cũng khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập vaccine cho Việt Nam. Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã khẳng định mọi sự hợp tác, mua bán, nhập khẩu vaccine Sputnik V, cần trao đổi trực tiếp với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga.
* Chiều tối 11-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 4 ca mắc Covid-19 (thứ 2.350-2.533) đều là người nhập cảnh, được cách ly ngay. Trong ngày, cả nước có thêm 44 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người mắc Covid-19 khỏi bệnh lên 2.048 người.
Liên quan tới 2 trường hợp tại Hải Phòng sau khi xuất cảnh sang Australia dương tính với SARS-CoV-2, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tất cả các trường hợp F1, F2 của 2 người này đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, quận Lê Chân, TP Hải Phòng vẫn tạm khoanh vùng, cách ly y tế 7 điểm với 244 hộ dân; phun khử trùng tại các khu vực liên quan.
Cùng ngày, tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho các cán bộ nhân, viên y tế tại 6 địa bàn gồm: TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng.
Ngày 11-3, 100 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca được Hệ thống Tiêm chủng VNVC Đà Nẵng bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng để triển khai tiêm chủng cho nhân viên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam, Tổ công tác liên bộ (Y tế, Tài chính, KH-ĐT, Ngoại giao, Công an) vừa họp thảo luận về việc tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 VNVC đặt mua của AstraZeneca. Tổ công tác liên bộ thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều vaccine này theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca. |