Cán bộ, nhân viên y tế tử vong khi chống dịch: Xứng đáng được công nhận là liệt sĩ

Báo SGGP vừa có loạt bài “Hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch”, phản ánh trận chiến khốc liệt của nhân dân TPHCM cũng như cả nước với dịch Covid-19. Để ứng phó với đại dịch này, cả nước đã huy động hàng chục vạn người tham gia tuyến đầu, trong đó riêng tại TPHCM là hơn 170.000 người, gồm các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, sinh viên y khoa, công an, bộ đội, bảo vệ dân phố, dân quân, thanh niên tình nguyện… 

Trong số họ có những người không may nhiễm phải virus, do trở bệnh nặng nên đã hy sinh cho mục tiêu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của nhân dân. Sau loạt bài viết trên, đã có nhiều ý kiến từ các cơ quan, ban ngành thể hiện sự đồng tình với việc truy tặng liệt sĩ cho cán bộ, nhân viên y tế... tham gia tuyến đầu chống dịch đã hy sinh.

Cán bộ, nhân viên y tế tử vong khi chống dịch: Xứng đáng được công nhận là liệt sĩ ảnh 1 Chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế quản lý ở quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hết sức cần thiết
Với nghĩa cử cao đẹp này, để ghi nhớ công ơn của họ, hiện nay có nhiều tổ chức, cơ quan đoàn thể, đơn vị cũng như dư luận xã hội đang đề nghị nên xét tặng, truy tặng liệt sĩ cho những người thuộc lực lượng tuyến đầu đã anh dũng hy sinh trong quá trình chống dịch Covid-19. Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết, để bảo vệ cho lực lượng y tế tuyến đầu, Công đoàn Y tế đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách thỏa đáng với thân nhân của họ. Bởi lẽ theo Pháp lệnh Người có công, họ xứng đáng được công nhận liệt sĩ, họ đều tham gia tuyến đầu chống dịch và tử vong trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Bà Phạm Thanh Bình cũng cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khốc liệt, tới đây sẽ khó tránh khỏi có thêm trường hợp cán bộ, nhân viên y tế tử vong nữa khi đang làm nhiệm vụ. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn công nhận liệt sĩ cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia tuyến đầu chống dịch hy sinh là hết sức cần thiết, để họ yên tâm cống hiến và thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hiện nay, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng kiến nghị Tổng LĐLĐVN đề nghị Bộ LĐTB-XH sớm ban hành các hướng dẫn thủ tục, lập hồ sơ để các địa phương có cơ sở trình chủ tịch UBND tỉnh, thành phố công nhận cán bộ y tế hy sinh trong phòng chống dịch được phong tặng liệt sĩ. 

Trong khi đó, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khẳng định, cán bộ, nhân viên y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 hoàn toàn xứng đáng được xem xét công nhận là liệt sĩ. Bởi theo khoản 3, Điều 59 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”. 

“Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ việc xem xét công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh và cho biết thêm, hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ sẽ theo quy định tại Điều 18, Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn điều kiện xác nhận, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương của người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc thủ trưởng các bộ và tương đương có thẩm quyền công nhận cán bộ y tế hy sinh vì làm nhiệm vụ chống dịch, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 là liệt sĩ. Sau đó, kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ LĐTB-XH thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công”.

Chờ nghị định hướng dẫn

Về đề xuất xét tặng, truy tặng liệt sĩ cho những cán bộ y tế hy sinh khi chống dịch, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh cho rằng, đề xuất này là chính đáng. Tuy nhiên theo đại diện Tổng LĐLĐVN, cơ quan có chức năng tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xét tặng, truy tặng liệt sĩ là Bộ LĐTB-XH. 

Cán bộ, nhân viên y tế tử vong khi chống dịch: Xứng đáng được công nhận là liệt sĩ ảnh 2 Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại quận Tân Phú. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Văn phòng Bộ LĐTB-XH cho biết, đã nhận được thông tin đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chế độ, chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 bị tử vong được phong danh hiệu liệt sĩ, cũng như thông tin đăng tải trên Báo SGGP và Bộ LĐTB-XH rất quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB-XH), hiện nay để thực hiện được việc này cần phải chờ nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công (mới có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021). Hiện Bộ LĐTB-XH đang xây dựng các dự thảo nghị định hướng dẫn của Chính phủ. 

Còn ông Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục Người có công, cho biết: “Do chưa có nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công nên Cục Người có công chưa thể trả lời được. Song theo quy định cũ được nêu tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì cơ quan nào có người hy sinh thì cơ quan đó lập hồ sơ đề nghị xét tặng”. Đây là các cơ quan quản lý trực tiếp, ví dụ đề nghị xét tặng liệt sĩ cho các y bác sĩ thì có thể là cơ quan trực thuộc Bộ Y tế hoặc UBND các tỉnh, thành phố. Theo thủ tục hướng dẫn thì khi có đầy đủ hồ sơ, giấy báo tử, cơ quan quản lý sẽ gửi tới Cục Người có công để thẩm định.

Tuy nhiên, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ từ năm 2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện nay đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2021, nên để xét tặng liệt sĩ cho những người thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ cần phải chờ hướng dẫn tại nghị định mới. Hiện dự thảo nghị định hướng dẫn đang được Bộ LĐTB-XH gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ ban hành.

Điều 14 của dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công, hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi, có nêu các điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận liệt sĩ với các trường hợp “làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm” khi: chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai, dịch bệnh... và các trường hợp được xem xét công nhận liệt sĩ theo quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 14 của pháp lệnh này, gồm: chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh tính mạng bản thân; bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của nhân dân; là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được cơ quan quản lý nhà nước về người có công trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng thưởng huân chương và tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước. 

Tin cùng chuyên mục