Cần cơ chế hỗ trợ giảm lãi suất

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều ngân hàng thương mại cho rằng cần có thêm cơ chế để thực hiện.
Doanh nghiệp mong lãi suất giảm hơn nữa để nhanh chóng phục hồi kinh tế. Sản xuất tại công ty dệt may Nguyên Dung, quận 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Doanh nghiệp mong lãi suất giảm hơn nữa để nhanh chóng phục hồi kinh tế. Sản xuất tại công ty dệt may Nguyên Dung, quận 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thêm nhiều gói cho vay 

Theo NHNN, tính đến đầu tháng 9-2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho 628.662 khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch, số tiền 4,46 triệu tỷ đồng.

Từ ngày 23-1-2020 đến 31-8-2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ lãi vay cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi mà 16 NHTM cam kết giảm từ ngày 15-7 đến 31-8 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ hơn 227.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23-1-2020 khoảng 520.000 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM, dư nợ tái cơ cấu, giảm lãi vay cho khách hàng tính đến cuối tháng 8-2021 đạt trên 1,616 triệu tỷ đồng, phần lớn dành cho DN gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng những tháng cuối năm, ngoài những gói hỗ trợ đã cam kết, nhiều NHTM có thêm hình thức hỗ trợ khách hàng quay lại sản xuất kinh doanh, giải quyết một số nhu cầu cá nhân sau nới lỏng giãn cách. Chẳng hạn, BIDV vừa có gói hỗ trợ giới tiểu thương quay trở lại hoạt động kinh doanh.

Theo đó, các hộ kinh doanh, tiểu thương chỉ cần chứng minh được hoạt động kinh doanh là có thể tiếp cận gói vay, lãi suất chỉ từ 5,3%/năm và được BIDV cấp thẻ tín dụng hạn mức lên đến 100 triệu đồng.

Đại diện ACB cũng cho biết, đã có sẵn nguồn vốn vay đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5%/năm để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 10-2021, hộ kinh doanh giải ngân sẽ được giảm thêm 0,2%/năm. 

Không chỉ hỗ trợ DN, từ nay đến cuối tháng 11-2021, MSB triển khai gói giải pháp tài chính hỗ trợ khách hàng là phụ huynh. Cụ thể, MSB áp dụng chính sách mở thẻ tín dụng đối với phụ huynh học sinh, sinh viên mà không cần chứng minh thu nhập, hạn mức tín dụng dựa trên mức học phí.

Hình thức xét duyệt tín dụng đơn giản như: căn cứ hợp đồng bảo hiểm, sổ tiết kiệm, chứng minh thu nhập từ lương… Ngoài ra, phụ huynh có thẻ tín dụng còn được mua thiết bị điện tử phục vụ cho con em học trực tuyến tại siêu thị điện máy, chuỗi cửa hàng điện tử trả góp miễn phí tới 12 tháng, lãi suất 0%... 

Cẩn trọng với nợ xấu

 Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, NHNN cho biết, dự kiến sẽ có gói hỗ trợ lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng trong tháng 10-2021.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thời điểm này cần có thêm các gói để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể để chính sách phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát 
được lạm phát.  

Thực tế, năm 2009 có gói 17.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho DN. Mặc dù chính sách có tác dụng nhất định nhưng hậu quả để lại là nợ xấu đến nay vẫn xử lý chưa xong. Vì thế, các chuyên gia trong ngành cho rằng, bên cạnh nguồn lực, thì cơ chế mới là vấn đề then chốt đảm bảo gói hỗ trợ lãi suất triển khai thông suốt và kiểm soát được rủi ro, tránh đi vào vết xe đổ trước đây. 

Lãnh đạo một NHTM quốc doanh lý giải, theo quy định hiện hành, muốn vay, DN phải đáp ứng các điều kiện: không nợ xấu, có doanh thu, lợi nhuận và tài sản đảm bảo. Chiếu theo quy định này thì phần lớn các DN sẽ không đủ điều kiện vay mà NHTM dù muốn hỗ trợ cũng không thể giảm chuẩn cho vay. Vướng mắc này cần NHNN tháo gỡ.

Theo đó, NHTM cần một cơ chế rõ ràng để có thể xem xét cho DN vay trong bối cảnh hiện nay. TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, ngân hàng cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng giúp chính sách được phù hợp, kịp thời và hiệu quả. “Chính phủ có thể phát hành trái phiếu, vay từ ngân hàng trung ương như các quốc gia khác… để có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế”, TS Nguyễn Quốc Hùng gợi ý.

Tin cùng chuyên mục