Chất lượng cuộc sống người dân sau sắp xếp đơn vị hành chính cần được đánh giá kỹ

Chất lượng cuộc sống của người dân sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là yếu tố then chốt, cần được đánh giá rất kỹ. Khi nông thôn được nhập vào đô thị, liệu bà con có bị thiệt vì không được hưởng các chính sách dành cho nông thôn? Xã nghèo nhập vào xã khá hơn, các chính sách cho người nghèo có còn tiếp tục?

Thảo luận về kết quả giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” tại phiên họp của UBTVQH hôm nay 14-3, các ý kiến đều nhấn mạnh yêu cầu đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là chất lượng đô thị sau khi sáp nhập với một số ĐVHC ở nông thôn.

“Bộ Xây dựng cho biết, ở một số nơi, chất lượng đô thị giảm tới 50%”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết và đề nghị tập trung làm rõ.

Chất lượng cuộc sống người dân sau sắp xếp đơn vị hành chính cần được đánh giá kỹ ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phản ánh qua tiếp xúc với cử tri, một số nơi người dân không muốn thay đổi. “Giám sát phải nghe rất nhiều chiều, xuống tận cơ sở một cách đột xuất, chứ nói trước, sắp đặt trước thì lại “đồng thuận” hết cả, không khách quan.

“Qua thực tế lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi nhận thấy việc sắp xếp ĐVHC ở địa bàn miền núi là phải rất cân nhắc, nếu không sẽ rất khổ cho người dân phải đi lại xa xôi, phiền hà khi cần giải quyết thủ tục hành chính”, ông nói và ví dụ cụ thể: “huyện Ya Sup của Đắk Lắk còn rộng hơn tỉnh Nam Định”.

Chất lượng cuộc sống người dân sau sắp xếp đơn vị hành chính cần được đánh giá kỹ ảnh 2 Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhận định: “Phải đẩy mạnh dịch vụ công, đưa dịch vụ về gần với dân. Theo đó, phải ứng dụng công nghệ, tránh cho người dân phải đến trực tiếp”. Ông Thực cũng lưu ý về yêu cầu tận dụng, phát huy cơ sở vật chất hiện có và giải quyết chính sách, chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng tình: “Các địa phương cũng hay nhìn nhau, giải quyết không khéo là cán bộ sẽ rất tâm tư. Các chính sách hiện hành vậy, khi sắp xếp thì phải đánh giá kẻo người dân thiệt thòi”.

Tiếp thu các ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, chính sách sau sáp nhập phải tốt lên, hoặc bằng trước đó chứ không giảm đi.

“Nhập lại thì địa bàn nào chính sách cao hơn sẽ áp dụng chính sách đó. Xã nghèo sẽ xem xét kỹ trước khi sáp nhập cho đến khi ra khỏi diện nghèo, còn hộ nghèo vẫn hưởng chính sách riêng”, ông nói.

Liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, chính sách sắp xếp được đề ra trước dịch bệnh Covid-19. Nay tình hình đã thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh. “Các đơn vị giáo dục, y tế sẽ như thế nào trong trạng thái có Covid-19? Y tế dự phòng vừa qua rất căng thẳng, nay giảm tiếp có hợp lý không”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Tin cùng chuyên mục