Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển

Ngày 19-2, UBND huyện Củ Chi phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi”.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Xây dựng chính quyền chuyên nghiệp

Tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã trình bày bài tham luận về chủ đề “Xây dựng chính quyền chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững huyện Củ Chi trong thời gian tới”.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, đánh giá một cách toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa phát triển của huyện về quy hoạch, khai thác sử dụng đất, khai thác các ngành nghề phù hợp. Đặc biệt là chưa phát triển được du lịch truyền thống gắn với các làng nghề, du lịch sinh thái.

Từ đó, Chủ tịch HĐND TPHCM đã chỉ ra các nhóm nguyên nhân làm cho huyện Củ Chi chậm phát triển so với các quận, huyện khác; làm cho vùng Tây Bắc rộng lớn của TPHCM chưa được đánh giá đúng và khởi dậy tiềm năng để phát triển. Do đó, huyện Củ Chi và các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, xác định định hướng, mô hình phát triển huyện trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển ảnh 2 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh:VIỆT DŨNG
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, việc này rất quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của huyện Củ Chi cũng như thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Tây Bắc của TPHCM. Từ đó huyện xác định mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức phát triển huyện. Yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ này là phải nghiên cứu, xác định định hướng, mô hình phát triển của huyện một cách khoa học, nghiêm túc trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tiềm năng lợi thế, cơ hội phát triển của huyện, tránh chạy theo mô hình chung chung.
“Khi chúng ta xác định đúng định hướng, mô hình phát triển, Đảng bộ và chính quyền của huyện cần nhất quán, kiên định, đồng bộ trong tổ chức thực hiện để thúc đẩy huyện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Thị Lệ gợi mở, huyện Củ Chi cần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND huyện, xã, thị trấn. Song song với đó, huyện Củ Chi xây dựng hệ thống chính quyền chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền để hướng đến xây dựng chính quyền số.
Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần phục vụ, dám nghĩ dám làm; đảm bảo kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; rà soát đồng bộ tất cả các dự án đầu tư công chuyển tiếp và các dự án đầu tư công mới, đánh giá tính khả thi, hiệu quả từng dự án và xây dựng kế hoạch về đăng ký công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tạo thế chủ động trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn huyện; đẩy mạnh thực hiện phân cấp ủy quyền.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển ảnh 3 Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi cần xây dựng kế hoạch với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chuyển đổi phương thức quản lý của các cơ quan công quyền
Đi vào nội dung chi tiết, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nêu yêu cầu cần linh hoạt, đổi mới các kỳ họp HĐND huyện, xã, thị trấn phù hợp với tình hình thực tiễn và nâng cao hiệu quả các kỳ họp. Song song với đó, huyện Củ Chi xây dựng hệ thống chính quyền chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền để hướng đến xây dựng chính quyền số; đồng thời tập trung cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, huyện Củ Chi cần xây dựng kế hoạch với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chuyển đổi phương thức quản lý của các cơ quan công quyền theo hướng xây dựng chính quyền số theo định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ - giải pháp trong đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2025…
Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng chính quyền số. Đồng thời, đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mạng xã hội, truyền thông… để lắng nghe, tham vấn chính sách từ người dân, doanh nghiệp.
Phát triển gắn với du lịch sinh thái
Trước đó, mở đầu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, để góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách và tổng kết thực tiễn lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ, chính quyền TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp với UBND huyện Củ Chi tổ chức hội thảo này.
Hội thảo tập trung thảo luận, góp ý để xác định định hướng, mô hình, tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của huyện Củ Chi trong thời gian tới; cải thiện môi trường và thu hút đầu tư trong bối cảnh phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh huyện Củ Chi tổ chức phát triển theo định hướng, mô hình phát triển mới…
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing góp ý, trong giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo, huyện Củ Chi cần xác định nguồn vốn FDI là một nguồn vốn quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đây là một trong những giải pháp để huyện thực hiện tốt các mục tiêu đề ra nhằm đưa huyện trở thành một quận hoặc thành phố thuộc TPHCM trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, quy hoạch và mở rộng đường giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển logistic, phục vụ các doanh nghiệp FDI chất lượng cao trong các khu công nghiệp chất lượng cao và các khu, cụm công nghiệp nói chung trên toàn huyện. Huyện cần có chính sách khuyến khích, thu hút FDI thế hệ mới thông qua các chính sách về tài chính, chính sách tín dụng Nhà nước, các chính sách xúc tiến thương mại, cải cách hành chính, dịch vụ công…
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển ảnh 4 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi cùng Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, huyện Củ Chi cần phát triển mô hình kinh tế kết hợp công nghiệp – logistic – nông nghiệp công nghệ cao – du lịch sinh thái, lịch sử và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Huyện Củ Chi hướng đến một thành phố gồm nhiều trung tâm chức năng theo mô hình TOD, đô thị sinh thái thông minh và trung tâm giao thương quốc tế.
Đồng thời phải cân nhắc một cách thận trọng lợi ích và chi phí kinh tế, môi trường khi áp dụng các loại hình trên, cùng với đó là việc đánh giá sự tác động của các yếu tố quan trọng khác như biến đổi khí hậu và liên kết vùng. Trong đó, tiêu chí ưu tiên duy trì mảng xanh là quan trọng và bất biến, nếu có bất cứ sự đánh đổi nào giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và chi phí môi trường trong dài hạn, sẽ dẫn đến hệ quả khó lường cho toàn bộ TPHCM.
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM cho rằng, TPHCM vốn là trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, khu vực ven đô và ngoại thành thành phố. Trong đó huyện Củ Chi không chỉ là “vành đai xanh” của thành phố mà còn là nơi nhiều nét văn hóa truyền thống của vùng và của TPHCM.
Do đó việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp là mục tiêu lớn mang nhiều ý nghĩa. Du lịch nông nghiệp góp phần tạo ra sức bật mới cho du lịch nông thôn. Huyện Củ Chi có nhiều làng nghề truyền thống có làm rất hay, giới thiệu tham gia làng nghề truyền thống và mua sản phẩm về. Ngoài địa đạo Củ Chi và một số di tích khác, huyện Củ Chi cần khai thác nét riêng của mình về phát triển du lịch trong đó có du lịch nông thôn.
Đồng thời đề xuất, huyện Củ Chi cần phát triển du lịch nông nghiệp theo mô hình bảo tồn, phát huy tốt nét đặc trưng tài nguyên văn hóa – sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội mang tính đặc thù địa phương. Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng cao và thương hiệu quả. Kinh tế cần gắn kết với nông thôn mới với phát triển du lịch để tạo thêm sức bật. Gắn với du lịch tạo lên bộ mặt mới, sinh khi mới; tác động tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển ảnh 5 Các sản phẩm của huyện Củ Chi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Góp ý thêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy đánh giá, huyện Củ Chi có tiềm năng dồi dào về phát triển văn hoá nói chung, các loại hình Du lịch văn hoá nói riêng. Việc TPHCM đề xuất công nhận Di sản văn hóa vật thể thế giới đối với Địa đạo Củ Chi - Di tích quốc gia đặc biệt là điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy huyện Củ Chi không ngừng vươn lên.
Trong định hướng phát triển du lịch, bên cạnh thế mạnh du lịch nông nghiệp, sinh thái, huyện Củ Chi rất cần những công trình văn hoá - nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia để đón đầu cho việc đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc phát triển một cách đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, du lịch huyện Củ Chi trong tương lai rất cần những sản phẩm có thương hiệu đặc trưng, là những mô hình tiêu biểu của văn hoá TPHCM. Trong đó có lẽ chất anh hùng ca, truyền thống cách mạng kiên cường với thế mạnh khai thác nghệ thuật đờn ca tài tử vốn dồi dào, phong phú về quy mô là chất liệu quan trọng. Ngoài ra, du lịch huyện Củ Chi rất cần có các khu vui chơi giải trí đẳng cấp phục vụ nhu cầu thụ hưởng của người dân.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ: Xác định đúng hướng, đúng mô hình để thúc đẩy huyện Củ Chi phát triển ảnh 6 Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, hội thảo này được xác định là tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Củ Chi sẽ có nhiều nội dung nghiên cứu, tiếp tục thảo luận chuyên sâu với các ngành, đơn vị chuyên môn trong việc phát huy các lợi thế, tiềm năng, tạo tâm thế chủ động khi huyện Củ Chi phối hợp với huyện Hóc Môn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư theo định hướng chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Không để xây cất tự phát “phố không ra phố, làng không ra làng”

Góp ý tại hội thảo, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM đề xuất, huyện cần làm tốt công tác quy hoạch, kiến trúc, thiết kế xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, dành diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái, không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát “phố không ra phố, làng không ra làng”, quan tâm giữ hành lang ven sông, nhất là ven sông Sài Gòn.

Song song đó, xây dựng huyện Củ Chi là nơi có không gian văn hóa đặc trưng, nơi có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn; phát triển nôn nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời huyện Củ Chi quan tâm bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống. Song song với đó, huyện đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông…

Tin cùng chuyên mục