Cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch Covid-19 cần tiếp sức

Kế hoạch phòng chống dịch sau ngày 15-9 do Sở Y tế TPHCM trình UBND TPHCM mới đây nêu rõ: huy động tối đa mọi nguồn lực trong cộng đồng, bao gồm hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hệ thống tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Gồng mình “gánh” chi phí điều trị

Hơn một tháng qua, Bệnh viện (BV) Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức - nơi đang điều trị khoảng 150 bệnh nhân Covid-19, phải “gồng mình” để duy trì điều trị. Trước khi chuyển đổi công năng, bệnh viện “bỏ vốn” đầu tư các trang thiết bị máy móc như: bồn oxy lỏng, máy thở chức năng cao, máy HFNC, máy lọc thận...

Bệnh viện kêu gọi nhân viên y tế tham gia, động viên họ bằng việc thuê khách sạn lưu trú, tăng thêm khẩu phần ăn, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cấp 4,... để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các loại thuốc, vật tư y tế để điều trị Covid-19 cũng khá đắt đỏ, bệnh viện phải tự chi trả hoàn toàn.

Cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch Covid-19 cần tiếp sức ảnh 1 Nhân viên y tế Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ mang song thai mắc Covid-19

Cũng trong tình trạng phải cố gắng gồng gánh, chịu lỗ để điều trị bệnh nhân Covid-19, BV Nam Sài Gòn đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Ngoài chi phí cho 300 nhân viên y tế tham gia điều trị, bệnh viên còn mua thêm các thiết bị y tế như máy oxy liều cao và máy thở, hóa chất xét nghiệm... Đến nay, đơn vị này đã điều trị khỏi bệnh hơn 200 bệnh nhân, tiếp tục điều trị hơn 180 F0.

Hơn 3 tháng qua, nhiều phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố cũng đã “miệt mài” tham gia hoạt động phòng chống dịch như: lấy mẫu cộng đồng, tiêm vaccine... Bác sĩ Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám đa khoa Ngọc Minh, cho biết, từ cuối tháng 6-2021 đến nay, phòng khám liên tục tổ chức các đội tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.

“Phòng khám không hoạt động đồng nghĩa với không có khoản thu nào, nhưng mỗi tháng ngoài tiền lương chi trả cho nhân viên từ 400-500 triệu đồng, chúng tôi còn phải bỏ thêm chi phí để mua sắm đồ bảo hộ, vật tư tiêu hao, xăng dầu... phục vụ công tác phòng chống dịch. Tổng số tiền đã lên đến hàng trăm triệu đồng và chúng tôi phải cắn răng gồng gánh”, bác sĩ Minh cho hay.

Có cơ chế để tiếp sức

Thống kê của Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn có 63 BV tư nhân đang hoạt động. Đến thời điểm này đã có 10 BV chuyển đổi một phần công năng hoặc chuyển đổi toàn bộ sang điều trị Covid-19 với tổng số 966 giường. Theo một lãnh đạo BV, nếu tính tất cả chi phí, mỗi bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ tốn khoảng 7 triệu đồng/ngày đối với bệnh nhẹ và khoảng 20-30 triệu đồng/ngày đối với các trường hợp nặng. Với chi phí này, nếu như không được thu viện phí và không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì các BV tư nhân khó cầm cự lâu dài.

Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, phức tạp, nhân viên y tế phải chung tay cùng thành phố để sớm đẩy lùi, đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng nhiều chuyên gia y tế mong mỏi, TPHCM, ngành y tế cần đánh giá lại vai trò của y tế tư nhân, tạo sự công bằng giữa hệ thống y tế công - tư để y tế tư nhân phát huy được vai trò của mình trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân nói chung và trong phòng chống dịch nói riêng.

Để đảm bảo sự công bằng này, trước hết Bộ Y tế, Bộ Tài chính cần xây dựng các khung tiêu chuẩn, các dịch vụ thiết yếu khi chăm sóc một bệnh nhân điều trị Covid-19 tại các BV tư, tránh tình trạng nhiều cơ sở lách luật, lợi dụng “vẽ” thêm dịch vụ để thu tiền của người bệnh. Từ đó, tạo cơ sở để các BV công khai, minh bạch tất cả các dịch vụ tại BV tư để người dân lựa chọn. Việc cho phép BV tư được thu giá dịch vụ điều trị Covid-19 được xem là một trong những giải pháp phù hợp ở thời điểm hiện nay.

Mới đây, UBND TPHCM có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Công văn nêu rõ, theo khảo sát của Sở Y tế TPHCM, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc.

Cụ thể, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không thể duy trì được. Còn nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện.

Tin cùng chuyên mục