Công cụ chống đầu cơ đất nông nghiệp phân lô bán đất nền

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội đề nghị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định về thuế đất trống. Đây sẽ là công cụ chống đầu cơ, thúc đẩy quá trình triển khai đất đai ngành đầu tư vào sản xuất và tạo ra của cải vật chất.

Ngày 21-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Sửa luật cần khắc phục quy hoạch treo

Góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, đây là vấn đề được người dân quan tâm, nhưng trên thực tế việc tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch. Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tô Văn Tám đề nghị, bỏ tầm nhìn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác, có thể không chính xác, có thể là một tác nhân của quy hoạch treo. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch. Theo ĐB, việc bỏ tầm nhìn quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, cần chỉnh lý, bổ sung thêm vào luật quy định về quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung, hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được quyết liệt mà không thực hiện dự án thì hủy bỏ quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tại hội trường, ngày 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tại hội trường, ngày 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng thảo luận về vấn đề này, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị, các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn được phê duyệt trước quy hoạch cấp thấp hơn. Đồng thời cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch.

Theo ĐB, việc này tránh tình trạng vướng mắc, cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài thời gian lập quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.

Nhìn nhận thời gian qua, ngành tài nguyên sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, nổi bật nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đánh giá, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian.

ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre). Ảnh: QUANG PHÚC

Thực tế, nhu cầu của người dân về chuyển đổi mục đích sử dụng đất là rất lớn và cần được thực hiện trong thời gian ngắn, không thể chờ thời gian hơn 1 năm, nên tình trạng cất nhà trước, làm giấy tờ sau diễn ra phổ biến.

ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận khác về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện để người dân tiếp cận ngay cơ hội. Theo ĐB, khi chưa có quy hoạch ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Khu vực đã quy hoạch là đất ở, thì khi người dân có nhu cầu, cần giải quyết ngay, không nên yêu cầu người dân đăng ký và chờ đợi thời gian dài.

Đánh thuế đất trống

Về tài chính đất đai và giá đất, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị bổ sung quy định về thuế đất trống. Vì dự thảo luật lần này không nhiều thay đổi so với luật hiện hành, chỉ bổ sung một khoản thu mới đó là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

Do đó, ĐB đề nghị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định về thuế đất trống. Đây sẽ là công cụ chống đầu cơ, thúc đẩy quá trình triển khai đất đai ngành đầu tư vào sản xuất và tạo ra của cải vật chất. Loại thuế này góp phần xử lý hiệu quả hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp để phân lô bán nền và tình trạng chiếm dụng đất sản xuất kinh doanh ở những vị trí đắc địa để trục lợi.

Tiếp ý kiến trên, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An). Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB, thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Về phương pháp định giá đất, ĐB đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất, vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị thêm quy định theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, tương thích ở sửa đổi luật nhà ở; coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu cho khu công nghiệp. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống, làm việc trong khu công nghiệp…

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhìn nhận, hiện chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều này gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất.

Do đó, ĐB đề nghị dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đáp ứng ba tiêu chí cụ thể sau: phải mang lại lợi ích chung cho nhân dân của một xã, của một huyện, của một tỉnh hoặc là của một vùng; do ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện hoặc là đầu tư theo phương thức đối tác công tư; mục đích thực hiện là công cộng.

Tin cùng chuyên mục