Cuộc đua tiền tỷ của điện ảnh Việt

Thị trường điện ảnh Việt đã xuất hiện những bộ phim được đầu tư kinh phí sản xuất lên đến 50-60 tỷ đồng. Con số này chắc chắn sẽ không dừng lại.
Em và Trịnh được ê kíp đầu tư lớn về mặt sản xuất. Ảnh: ĐPCC
Em và Trịnh được ê kíp đầu tư lớn về mặt sản xuất. Ảnh: ĐPCC

Canh bạc

578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) ra rạp từ ngày 20-5 gây choáng ngợp cho khán giả bởi độ chịu chơi của ê kíp. Phim có liên tiếp những đại cảnh “nịnh mắt” người xem, gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Đặc biệt, bối cảnh tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 20.000m² với hơn chục ngàn container là điểm nhấn. Đoàn phim cũng huy động 57 xe container, 

7 chiếc xe đèn cao 25m để đáp ứng ánh sáng cho những cảnh quay hành động lớn. Hay với các phân cảnh mưa, nhiều dàn mưa phức tạp đã được huy động, mỗi ngày ê kíp phải dùng tới 20.000-30.000 lít nước. Đạo diễn hình ảnh Morgan Schmidt thừa nhận: “Cảng Đình Vũ chính là bối cảnh khó khăn nhất trong 578: Phát đạn của kẻ điên, một bối cảnh khổng lồ, một khu cảng tuyệt đẹp, một địa điểm vô cùng tuyệt vời để quay, nhưng đi cùng với đó là vô vàn thử thách”. Không quá lời khi nói đạo diễn Lương Đình Dũng vừa mạo hiểm nhưng cũng rất chịu chơi.

Trong khi đó, dù đến ngày 17-6 mới khởi chiếu nhưng nhà sản xuất (NSX) phim Em và Trịnh vừa hé lộ những con số “khủng” trong quá trình sản xuất: 50 tỷ đồng, 

5 năm chuẩn bị, 40 diễn viên chủ chốt, 3.000 diễn viên quần chúng, 1.000 bộ trang phục trong suốt 65 ngày quay... Bà Vũ Quỳnh Hà, đại diện NSX, lý giải: “Một bộ phim thường chỉ có 2 ca khúc, trong khi con số của phim này là 39. Nếu cứ làm phép so sánh như vậy với các yếu tố khác sẽ có câu trả lời tại sao kinh phí sản xuất Em và Trịnh lại gấp nhiều lần phim khác. Tất cả bối cảnh trong phim đều rất tốn kém, vì trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, đã đến lúc thị trường phải có những phim như thế, bởi số đông khán giả cũng thích phim kinh phí lớn. Còn theo bà Tường Vi, NSX phim đến từ CJHK, việc phim ảnh nhận được mức đầu tư lớn là dấu hiệu đáng mừng, bởi nó chứng tỏ các nhà đầu tư còn quan tâm, yêu thích lĩnh vực này, nhất là sau một thời gian dài oằn mình vì dịch bệnh. “Điện ảnh cần tăng trưởng, cần nâng cao thì việc tăng kinh phí là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện điều đó. Để từ đó, nhân sự ở mỗi vị trí nhận được mức thù lao phù hợp hơn”, bà Vi phân tích thêm.

NSX Tường Vi: "Có điều kiện để tăng kinh phí cho dự án phim là điều tuyệt vời, bởi nó tăng cơ hội tạo ra chất lượng sản xuất tốt hơn. Nó giúp chủ dự án mạnh dạn và tự tin hơn trong việc chọn câu chuyện, chọn cách xử lý câu chuyện, quy mô sản xuất và nhân sự của đoàn phim"
Thuyền lớn, sóng lớn


Không phải đến thời điểm này điện ảnh Việt mới có những phim kinh phí vượt trội so với phần còn lại của thị trường. Năm 2014, NSX Trương Ngọc Ánh từng công bố chi 4 triệu USD (khoảng hơn 80 tỷ đồng) để thực hiện dự án I Am Wanted, dù đến nay chưa có thêm thông tin nào được hé lộ. Dự án phim huyền sử Trưng Vương của cô cũng hứa hẹn sẽ ngốn kinh phí không nhỏ. Trong số các phim đã hoàn thành và ra mắt, Trạng Tí (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) từng tiêu tốn 43 tỷ đồng. Gái già lắm chiêu V (Bảo Nhân - Namcito) cũng được thực hiện với kinh phí khoảng 46 tỷ đồng, trong khi 50 tỷ đồng là số tiền để hoàn thành dự án Sám hối (Peter Hiền).

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng: “Mỗi dự án có mức kinh phí sản xuất khác nhau. Nhưng, một bộ phim phải có đủ kinh phí cần thiết đáp ứng nhu cầu của kịch bản, không nói chuyện cao hay thấp. Không nhất thiết dự án nào cũng phải nhiều tiền hay ít tiền. Có những phim chỉ cần 1 tỷ đồng có thể làm hay, nhưng có những phim không thể làm với 30 tỷ. Với Em và Trịnh, sẽ không thể có một phim tốt nếu không có kinh phí tương xứng”.

Có một điểm chung hầu hết các NSX nhìn nhận, phim kinh phí lớn không đồng nghĩa sẽ chất lượng và có doanh thu cao. Điều này đúng với cả thị trường điện ảnh Hollywood, khi nhiều phim được đầu tư hàng trăm triệu USD vẫn nhận đánh giá tiêu cực và thất bại về doanh thu phòng vé. Town & Country hay The Promise cùng đầu tư 90 triệu USD nhưng chỉ thu về hơn 10 triệu USD doanh thu, trong khi The Adventures of Pluto Nash thu 7,1 triệu USD so với kinh phí 100 triệu USD… là những bằng chứng điển hình. Thực tế, ở thị trường điện ảnh Việt, một số phim có kinh phí lớn: Sám hối, Trạng Tí, Lôi báo, Người bất tử… đều không thể giúp NSX thu hồi vốn.

Kinh phí lớn đồng nghĩa với áp lực cao và rất cần sự tính toán thông minh của NSX. “Khả năng quản lý ngân sách là một yếu tố quan trọng. Nếu quản lý dự án, quản lý ngân sách không hiệu quả thì việc có kinh phí lớn hoàn toàn không đi đôi với chất lượng của bộ phim”, bà Tường Vi nhấn mạnh. Ở góc độ đạo diễn, Phan Gia Nhật Linh cho rằng, người làm sản xuất phải đủ thông minh và kinh nghiệm nhìn dự án để biết bộ phim cần bao nhiêu kinh phí.

Tin cùng chuyên mục