Đà Nẵng: Số ca bệnh tay chân miệng gia tăng

Tại TP Đà Nẵng, số ca bệnh tay chân miệng đang gia tăng. Trong đó, có nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng chủng Enterovirus 71 (EV71) dễ dẫn đến biến chứng viêm não, thần kinh.
Bác sỹ Nguyễn Hải Thịnh đang khám bệnh cho con của chị Lê Thị Ngọc Châu. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Bác sỹ Nguyễn Hải Thịnh đang khám bệnh cho con của chị Lê Thị Ngọc Châu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Gần đây, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân mắc tay chân miệng và phải nhập viện điều trị. Chị Phạm Thị Ngân (trú tỉnh Thừa Thiên Huế) có con gần 6 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng. Triệu chứng của con chị đầu tiên là sốt cao, ngủ giật mình và cổ họng bị lở loét, nhiễu nước miếng.

Tương tự, chị Lê Ngọc Châu (trú TP Đà Nẵng) có con mắc bệnh này nhập viện với tình trạng sốt cao và được nhập viện vào ngày 25-6. Khi làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhi mắc chủng Enterovirus 71 (EV71), bệnh diễn tiến nhanh và biến chứng nguy hiểm.

“Bé có biểu hiện sốt và nôn ói, tay chân run nên bước đi không vững. Các bác sĩ chẩn đoán là bị biến chứng của tay chân miệng”, chị Châu nói.

Sau khi được chẩn đoán, các bệnh nhi ngay lập tức được theo dõi, điều trị tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, bệnh tay chân miệng là một bệnh lý có thể mắc rất nhiều lần trong đời. Khi bệnh nhi mắc tay chân miệng 1 lần thì trẻ chỉ có miễn dịch đối với chủng đã từng mắc.

Trường hợp bệnh nhi có thể mắc tay chân miệng chủng EV71 nếu bệnh nhi chưa có miễn dịch với EV71 và nguy cơ diễn biến nặng cao hơn so với những chủng khác rất nhiều.

Điển hình như tình trạng bệnh của con chị Châu diễn biến nhanh trong vòng 1 ngày. Khi ở nhà, ban ngày, trẻ có triệu chứng sốt và nôn ói. Đến tối, trẻ có biểu hiện sốt cao, giật mình và đi đứng loạng choạng không vững. Chị Lê Ngọc Châu ngay lập tức đưa con vào bệnh viện. Các bác sĩ đã khám, nhận định bệnh nhi này bị tay chân miệng mức độ nặng cấp độ 2B2 và đã cho truyền thuốc sau khi nhập viện điều trị.

Một trường hợp mắc tay chân miệng chủng Enterovirus 71. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một trường hợp mắc tay chân miệng chủng Enterovirus 71. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Khi mắc chủng EV71 thì nguy cơ diễn biến nặng rất cao, cao hơn so với những chủng khác rất nhiều của bệnh tay chân miệng. Do đó, khi bệnh nhi có nguy cơ bị tay chân miệng với biểu hiện như sốt cao kèm biểu hiện quấy khóc hơn so với bình thường, nổi mụn ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn tay; hay em bé quấy khóc, chảy nước bọt nhiều, giật mình, đi đứng không vững thì người nhà nên đưa đến cơ sở y tế thăm khám”, bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đã tiếp nhận 318 ca bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 131 ca, trong đó có 3 ca bệnh nặng.

Hiện Khoa Y học Nhiệt đới của bệnh viện đang thu dung điều trị nội trú khoảng 60 bệnh nhân. Hầu hết bác sĩ cho rằng, trong đợt bùng phát dịch năm nay số lượng bệnh nhi mắc bệnh không tăng, nhưng tỷ lệ bệnh nặng nhiều hơn năm ngoái.

Nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng lần thứ 2 chủng EV71 gây biến chứng và phải truyền thuốc đặc trị.

Hiện Khoa Y học Nhiệt đới của bệnh viện đang thu dung điều trị nội trú khoảng 60 bệnh nhân

Hiện Khoa Y học Nhiệt đới của bệnh viện đang thu dung điều trị nội trú khoảng 60 bệnh nhân

Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho hay, hiện các quận, huyện tại Đà Nẵng đã có ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê có số ca mắc tăng.

Từ đầu năm đến cuối tháng 6, Đà Nẵng ghi nhận khoảng 326 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, từ ngày 19 đến 25-6 ghi nhận thêm 38 ca bệnh và có hai ổ dịch nhỏ tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3-5 và từ tháng 8-11 hàng năm. Bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm như biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não; biến chứng tim mạch hô hấp như viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch... nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Một trường mầm non vệ sinh dụng cụ học tập, vui chơi

Một trường mầm non vệ sinh dụng cụ học tập, vui chơi

Để chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp thực hiện và kịp thời tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, thời gian tới, CDC Đà Nẵng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương, cộng đồng và một số trường mầm non, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn Đà Nẵng. Đồng thời kiểm tra tình hình sử dụng hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị.

Tin cùng chuyên mục