Đà Nẵng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 22-5, Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đà Nẵng. Ban này do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm trưởng ban Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đà Nẵng
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm trưởng ban Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đà Nẵng

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa thống nhất quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban chỉ đạo TP) theo đề nghị của Ban Nội chính Thành ủy.

Ban Chỉ đạo thành phố sẽ do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Trưởng Ban Nội chính Thành ủy là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; (5) Giám đốc Công an thành phố.

Các Phó Trưởng ban gồm: Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng; ông Võ Công Chánh, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. 

Các Ủy viên gồm: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Chỉ huy trưởng BCH Quân sự TP; Chánh Văn phòng Thành ủy; Chánh án TAND TP; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP; Giám đốc Sở Tư pháp; Chánh Thanh tra TP; Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy.

Thường trực Ban chỉ đạo TP gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo TP.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của Ban chỉ đạo TP thực hiện theo Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và do Ban Thường vụ Thành ủy quy định cụ thể.

Ban chỉ đạo TP tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác. Trưởng Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo ban hành quy chế làm việc, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác; thành lập bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và nhân dân. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực, khí thế mới để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng ngừa ở một số nơi còn mang tính hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; các địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục