Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể

Đại biểu Quốc hội đề nghị TPHCM cần chuẩn bị phương án cụ thể, phối hợp đồng bộ với các tỉnh để đón bà con trở lại thành phố, tiêm đủ vaccine để bà con yên tâm tham gia lao động, sản xuất.

Chiều 12-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covdi-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV, ĐBQH khóa XV; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XV.
Cùng dự có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc Gia TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
 
Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu dự buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu dự buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ
Tại buổi giám sát, các ĐBQH đã nêu ra nhiều ý kiến đóng góp báo cáo kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covdi-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể ảnh 3 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu 6 kiến nghị, trong đó TPHCM cần đặt mục tiêu đến tháng 11-2021 phải tiêm vaccine mũi 2 đạt trên 90%. Đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chí kiểm soát dịch để các địa phương thực hiện. ĐBQH cho biết hiện nay người dân, người lao động rời TPHCM về quê rất nhiều, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là nguồn tiền để duy trì trong các trường hợp khẩn cấp.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể ảnh 4 ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu các kiến nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM cần sớm lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ nguồn vốn để duy trì trả lương tối thiểu cho người lao động và duy trì sản xuất. Đồng thời xem xét giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp… Ngoài ra, các chi phí xét nghiệm hiện nay các doanh nghiệp cũng gặp áp lực rất lớn do đó nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí này từ nay đến hết tháng 12-2021.
Cần có cơ chế thu hút nhân lực y tế cơ sở
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ cho biết, thời gian qua HĐND TPHCM đã lập 24 tổ đại biểu giám sát và mỗi ngày có báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM. Trong quá trình giám sát, HĐND TPHCM đã kịp thời kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể ảnh 5 ĐBQH Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bên cạnh đó, ngân sách TPHCM hiện nay đang gặp khó khăn. Ngoài chi ngân sách cho các gói an sinh xã hội, TPHCM còn chi rất nhiều cho công tác phòng chống dịch Covid-19. ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đề nghị, UBND TPHCM cân nhắc trong đầu tư công sắp tới, không thể thực hiện dàn trải mà phải tập trung đầu tư khắc phục những điểm vướng, điểm nghẽn, những lĩnh vực cần thiết hiện nay, nhất là lĩnh vực y tế. Bởi hiện nay, đa số người dân, đội ngũ y tế quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế xã phường, thị trấn. Do đó UBND TPHCM cần có kiến nghị đề xuất về cơ chế chính sách đãi ngộ, ưu đãi để thu hút nhân lực, đầu tư củng cố hệ thống y tế cơ sở.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ bày tỏ lo lắng, hiện nay có tình trạng người dân chủ quan lơ là trong phòng dịch khi cho rằng TPHCM đã kiểm soát được dịch, đã được tiêm vaccine. Do đó, đề nghị UBND TPHCM hoàn chỉnh phương án phòng chống dịch theo từng cấp độ để đảm bảo người dân ra đường an toàn, đồng thời đẩy mạnh truyền thông đến người dân thực hiện nghiêm 5K, không chủ quan lơ là.
“Bà con chưa tiêm vaccine hoặc chỉ mới tiêm mũi 1 thì thành phố đón trở lại và tiêm vaccine để bà con yên tâm tham gia lao động, sản xuất”, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ kiến nghị.
Bên cạnh đó, ĐBQH đề nghị ngành công thương TPHCM thiết lập nguồn cung cấp “hàng hóa xanh”, đảm bảo nguồn cung hàng hóa đến người dân. Đặc biệt TPHCM liên kết vùng trong phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực, nguồn lao động với các tỉnh thành... Đồng thời kiến nghị TPHCM cần chuẩn bị phương án cụ thể, phối hợp đồng bộ với các tỉnh để đón bà con trở lại thành phố. 
Sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng và ban hành chiến lược “bình thường mới” tổng thể trong cả nước để có thể sống thích nghi an toàn với Covid-19. Trong đó, bao gồm chiến lược thành phần ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với các giải pháp, chính sách mang tính vĩ mô.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị TPHCM đón người dân trở lại, sớm có chiến lược “bình thường mới” tổng thể ảnh 6 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa góp ý tại buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đặc biệt, không nên để tình trạng gỡ bỏ rồi áp dụng lại, rồi lại gỡ bỏ rồi lại áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nhiều lần trên phạm vi rộng, vì sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và làm mất đi ưu thế ổn định của môi trường đầu tư, phát triển kinh tế.
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, cần nêu rõ hoạt động của các cơ quan nhà nước trong trạng thái “bình thường mới” ra sao? Hệ thống y tế, bệnh viện… cần “bình thường mới” như thế nào? Hệ thống giáo dục - đào tạo, từ việc giữ trẻ mầm non đến học tập tại bậc đại học ra sao trong “bình thường mới”? Tổ chức sản xuất kinh doanh, du lịch, logistics như thế nào…
ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị, khi tiêm phủ một tỷ lệ nhất định vaccine cho trẻ em, có thể kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp. Cần cơ cấu lại các môn học, môn nào chỉ có thể học trực tiếp được thì học trực tiếp; môn nào có thể học trực tuyến được thì học trực tuyến.
Đồng thời cũng đề nghị TPHCM và tỉnh lân cận cần thống nhất cơ chế lưu thông về lao động và hàng hóa một cách thông suốt, tránh trở ngại ách tắc. ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn đặt ra câu hỏi tại sao đông người lao động tập trung tại TPHCM như vậy, tại sao có những ngành nghề mà TPHCM không cần phải thu hút đông người lao động? ĐBQH cho rằng, đó là nhờ hạ tầng của TPHCM tốt hơn các địa phương khác. Vì thế, dân cư tập trung lớn về TPHCM.
Từ đó ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, tái cấu trúc lại dân cư và lao động, quy hoạch lại hạ tầng vùng kết nối với Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, nhằm giảm áp lực dân cư với TPHCM.

Qua báo cáo của UBND TPHCM, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đề nghị, cần làm rõ hơn nguyên nhân làm ảnh hưởng, tác động đến xã hội, đời sống người dân. Khi dịch Covid-19 xảy ra, hậu quả tác động rất lớn đến xã hội, đời sống, tâm lý người dân.

Một vấn đề khác đặt ra là phương hướng khôi phục kinh tế - xã hội của TPHCM như thế nào trong thời gian tới. Do đó ngay từ bây giờ TPHCM xác định phương hướng khôi phục kinh tế - xã hội, mở cửa dần khôi phục kinh tế để tạo đà phát triển trở lại và đưa cuộc sống người dân trở lại “bình thường mới” trong điều kiện thích ứng, linh hoạt, an toàn.

Tin cùng chuyên mục