Đẩy mạnh hợp tác, tăng cơ hội giao thương

Với vai trò là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua, TPHCM đã có thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực, trong đó có Bình Phước.

Với một tỉnh có xuất phát điểm thấp, xa trung tâm vùng, việc hợp tác với đầu tàu kinh tế như TPHCM đã tăng cơ hội giao thương hàng hóa và góp phần đáng kể vào sự phát triển của tỉnh Bình Phước cũng như của vùng.

Theo số liệu của UBND tỉnh Bình Phước, từ năm 2017 đến 2022 đã thu hút được 87 dự án của các doanh nghiệp TPHCM đến đầu tư tại tỉnh, tổng vốn đăng ký 5.891 tỷ đồng, lũy kế đến nay đã có 166 dự án với tổng số vốn đăng ký 18.208 tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm hạ tầng khu công nghiệp; khu dân cư; chế biến nông sản, trang trại chăn nuôi; sản xuất phân bón và thương mại. Trong những năm qua, Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn đã đầu tư, đưa vào hoạt động 2 siêu thị Co.opmart tại TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, trong đó siêu thị tại Đồng Phú được đầu tư 90 tỷ đồng, hoạt động từ năm 2018 đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, tiếp cận dịch vụ thương mại hiện đại phục vụ người dân địa phương. Và từ 2 siêu thị này, đã có 29 chuyến hàng Việt đưa về nông thôn với tổng giá trị hàng hóa hơn 5 tỷ đồng, góp phần lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước, trong đó có các thôn, buôn vùng biên giới. Công ty CP Thương mại Bách hóa Xanh đã đưa vào sử dụng 71 cửa hàng tiện ích khắp 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh, qua đó góp phần phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Đáng chú ý, giai đoạn 2017-2021, Sở Công thương tỉnh Bình Phước đã chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT, Liên minh HTX, Hội Nông dân tỉnh mời 32 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia kết nối cung - cầu giữa TPHCM với các tỉnh phía Nam. Nhờ đó, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây, yến sào, nấm linh chi… đã được bày bán rộng rãi hơn tại hệ thống các siêu thị Co.opmart, Big C, Aeon, đồng thời kết nối phân phối đến các chợ đầu mối của TPHCM, cửa hàng trái cây sạch tại các tỉnh phía Nam và sang cả thị trường Trung Quốc.

Có thể nói, việc kết nối trực tiếp với đầu mối tiêu thụ lớn như TPHCM đang tăng thêm cơ hội giao thương, chào bán sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX… của Bình Phước, góp phần hình thành chuỗi hệ thống thương mại hiện đại, phù hợp với xu thế tiêu dùng của người dân, nhất là giới trẻ. Và ngược lại, việc tăng cường giao thương cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của TPHCM khi sản phẩm được kết nối nhanh hơn đến địa bàn tiêu thụ giúp tăng sản lượng, doanh thu một cách bền vững.

Tin cùng chuyên mục