Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Ứng dụng công nghệ số không chỉ làm thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh, giảm chi phí vận hành mà còn tạo thêm nhiều giá trị mới như chất lượng dịch vụ tốt hơn, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thói quen tiêu dùng thay đổi

 Chị Thanh Lương (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết, trước đây, chị thường xuyên rút tiền lương từ thẻ ATM để chi tiêu. Nhưng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, do hạn chế tiếp xúc cũng như nhận tiền mặt để tránh nguy cơ lây bệnh, chị đã dùng thẻ để thanh toán khi mua hàng. “Tôi  đã mở thêm thẻ tín dụng, ví điện tử bằng hình thức trực tuyến với thủ tục khá đơn giản để có thể mua sắm tại các cửa hàng và siêu thị cho tiện lợi, tránh lây lan dịch khi dùng tiền mặt”, chị Lương cho hay.

Sự thay đổi thói quen thanh toán của chị Lương cũng là tâm lý khá phổ biến của nhiều người trong thời gian qua mà theo đại diện Tổ chức Visa tại Việt Nam, đã thúc đẩy nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số. Khảo sát cho thấy, 85% người tiêu dùng (NTD) đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần/tuần, 44% NTD lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi dịch lan rộng, 77% NTD Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% NTD sử dụng các dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được NTD ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè. Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua tăng mạnh vì ngày càng nhiều kênh thanh toán qua internet banking, mobile banking, ví điện tử… khá tiện lợi. Ngoài các kênh thanh toán này, hiện nhiều ngân hàng áp dụng thẻ phi vật lý, được gắn cùng với điện thoại thông minh, biến điện thoại thành phương tiện thanh toán. Hoặc mới đây nhất xuất hiện hình thức thanh toán quét mã QR, cũng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là thanh toán được qua tài khoản. 

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt ảnh 1 Dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng sang hình thức thanh toán không tiền mặt. Ảnh: HUY PHAN

Tăng tiện ích cho người tiêu dùng

Với xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng cao, nhiều ngân hàng đã đưa ra chiến lược ngân hàng số thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính có tính cá nhân hóa cao như thanh toán mobile payment, e-KYC, QR code... Sắp tới, dịch vụ Mobile money được triển khai thì NTD còn có thể dùng số điện thoại để thanh toán khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, để thu hút người dùng sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt, hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng hàng loạt chính sách miễn, giảm các loại phí chuyển khoản, thanh toán đa dịch vụ cũng như áp dụng các chính sách hoàn tiền khi sử dụng thẻ. 

Thực tế cho thấy, khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngân hàng đã phải đóng cửa bớt các phòng giao dịch nhưng vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu nhờ các dịch vụ. Sacombank cho biết, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt 5 tháng đầu năm 2021 tại Sacombank tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó thanh toán trực tuyến tăng 70%.

Từ tháng 5 đến nay, đặc biệt trong thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tại Sacombank cũng đã tăng đáng kể. Tương tự, ACB cho biết doanh số và số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt đã tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC đã đem lại hiệu quả cao với khoảng 10.000 tài khoản mở mới/ngày.

Ông Phan Việt Hải, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số của Viet Capital Bank cho biết, trong 4 tháng qua, kể từ khi ra mắt ngân hàng số digimi, tỷ lệ khách hàng mới tăng hơn 30%/tháng, số lượng giao dịch tăng 50% so với những tháng trước đó. Trong đó, những tính năng dịch vụ mới như chuyển tiền bằng mã QR, nhận tiền bằng số điện thoại, xem số dư nhanh được khách hàng sử dụng khá nhiều. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng các tính năng, giải pháp nâng cao như đầu tư, vay trực tuyến, tra soát trực tuyến, định danh gọi điện thoại bằng hình ảnh (video call)… để tăng trải nghiệm cho khách hàng”, ông Hải chia sẻ. 

Sự đồng hành của các tổ chức tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng là cơ sở để thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu về một xã hội không tiền mặt. Tuy nhiên, nhiều NHTM cho biết, đang có nhiều vướng mắc trong việc cung cấp các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán số và trải nghiệm khách hàng như hành lang pháp lý cho việc ứng dụng nền tảng công nghệ mới như eKYC, ngân hàng đại lý, cho vay trực tuyến… Từ đó, các NHTM kiến nghị cơ quan quản lý đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới nhằm góp phần đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.

Dư địa phát triển còn rất lớn

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam còn rất lớn, song để chiếm lĩnh thị trường này, các trung gian thanh toán cần tăng niềm tin với NTD, phát triển hệ sinh thái thuận tiện cho khách hàng, an toàn bảo mật thông tin, giải quyết, xử lý nhanh chóng vướng mắc của khách hàng, có sản phẩm mới tiện lợi, dễ sử dụng. Đồng thời, Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện nhanh hơn cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, có cơ chế chia sẻ dữ liệu và bảo mật, phát triển hạ tầng công nghệ số…

Tin cùng chuyên mục