Tại Nhà Quốc hội, ngày 31-8, đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ 29 của Ủy ban Pháp luật theo hình thức trực tuyến để thẩm tra cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Nhiều đại biểu dự họp đề nghị tiếp tục duy trì hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết tháng 12-2022.
Theo bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và một số đại biểu khác, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, do đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để chứng minh thông tin về nơi cư trú vẫn còn cần thiết.
Đơn cử như việc đăng ký nhập học đối với học sinh phổ thông tại TPHCM năm học này tăng lên tới 54.000 học sinh, không chỉ được học một buổi mà còn tăng lên 3 ca, bà Trần Thị Dung đề nghị cân nhắc vấn đề này để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, giao dịch với các cơ quan công quyền một cách thuận lợi hơn.
Nhấn mạnh việc không tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có nghĩa là không quản lý cư trú, mà là đổi mới từ phương thức quản lý bằng sổ giấy sang quản lý cư trú theo phương thức ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cho phép duy trì giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định đến hết 31-12-2022; đảm bảo tính khả thi và đảm bảo quá trình chuyển đổi, không dẫn tới những xáo trộn quá lớn trong cuộc sống của người dân.
Một nội dung đáng lưu ý khác là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng chung cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều ý kiến đề nghị giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú; cụ thể là giới hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu không được thấp hơn 8m²/người, để đảm bảo điều kiện sống của người dân.