Đơn hàng xuất khẩu nhiều, ngành hàng chủ lực vẫn giảm mạnh

 Ngày 31-7, Bộ Công thương đã có cuộc họp với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài nhằm tìm kiếm giải pháp chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm gỗ giảm mạnh, lần lượt là 18,9 tỷ USD (giảm 15,1%), 11,7 tỷ USD (giảm 17%) và 7,2 tỷ USD (giảm 26,2%) so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất và lạm phát tăng, kéo dài… dẫn đến sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại 3 thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam là châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và châu Âu cho biết thêm, doanh nghiệp xuất khẩu nước ta đang bị cạnh tranh mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ...

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước

Ở góc độ khác, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam tăng trưởng nóng về xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch ngành gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt bắt nhịp nhanh với những lợi thế mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, khi thị trường xuất khẩu đặt ra rào cản tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, nhất là tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp nước ta lại chậm chuyển đổi, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Đơn cử, với sản phẩm gỗ xuất khẩu, doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ từ rừng trồng. Hay như sản phẩm da giày, yêu cầu da phải sử dụng vật liệu tái tạo. Nhà xưởng sản xuất phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng tiêu chí trung hòa cacbon.

Đối với lĩnh vực dệt may, doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh giải pháp giảm tác hại của thời trang nhanh và có đủ năng lực thực hiện trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (thu gom và tái chế sản phẩm dệt may xuất khẩu)…

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và châu Âu cho rằng, để chặn đà suy giảm xuất khẩu, ngoài việc buộc phải đáp ứng rào cản kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới.

Bộ Công thương cho biết, trong tháng 9 và tháng 10-2023 sẽ gia tăng hoạt động xúc tiến giao thương với các thị trường xuất khẩu. Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với một số đầu mối phân phối bán buôn, bán lẻ, đầu tư, nhập khẩu tại North Carolina, Washington DC và New York thuộc Hoa Kỳ, Slovenia Bulgaria, Indonesia, Canada, Chile… Các doanh nghiệp cần chủ động kết nối với Bộ Công thương để đăng ký tham gia các đoàn xúc tiến nêu trên.

Tin cùng chuyên mục