Công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Kiên Giang (tọa lạc tại Công viên Văn hóa An Hòa, TP Rạch Giá) do Công ty TNHH Trường Phát thi công, giá trị hợp đồng trên 118 tỷ đồng, thời gian là 720 ngày. Công trình được giao mặt bằng vào tháng 10-2020, đến nay nhà thầu mới thi công phần vách tầng 1 khối nhà N1, còn các khối nhà từ N2-N6 chưa triển khai thi công. Với khối lượng thi công như vậy thì không thể đảm bảo giải ngân vốn đã bố trí trong năm 2021.
Tương tự, dự án xây dựng cầu Cái Cùng (bắc qua sông Cái Cùng, nối liền xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình với xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) rất quan trọng trong việc mở ra hướng phát triển cho người dân ven biển của tỉnh Bạc Liêu; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong vùng. Tuy nhiên, cây cầu này mới xây dựng được một trụ phía bờ xã Vĩnh Thịnh thì ngưng nhiều tháng nay. Hiện tại, công trường vắng bóng công nhân, các thiết bị thi công bỏ không và nằm ngổn ngang, hai bên bờ cỏ mọc um tùm.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự án xây dựng cầu Cái Cùng được triển khai thi công vào tháng 12-2019, đến nay khối lượng ước đạt 23% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng và nhà thầu khó khăn về tài chính nên đã dừng thi công từ tháng 2-2021... Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đến nay mới giải ngân được 1.489/3.330 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 45%; ước cả năm giải ngân được 2.722 tỷ đồng, đạt gần 82% kế hoạch.
Trong khi đó, theo UBND tỉnh Kiên Giang, tổng vốn đầu tư công năm 2021 trên 5.198 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 1.220 tỷ đồng. Kết quả, đến ngày 30-11, giá trị giải ngân 2.372 tỷ đồng, đạt trên 45% kế hoạch; ước thực hiện cả năm 2021 là 4.321 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch. Tương tự, tỉnh Cà Mau cũng mới giải ngân được 2.495/4.162 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch vốn được phân bổ…
Theo quy định, vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 chuyển sang năm 2021 được giải ngân đến ngày 31-12-2021; vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 được giải ngân đến ngày 31-1-2022. Qua tỷ lệ giải ngân của các tỉnh ĐBSCL cho thấy, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn không còn nhiều; vì vậy các tỉnh đang dồn lực, trong khi các đơn vị thi công làm cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ.
“Tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, các chủ đầu tư… nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả. Trong đó, tập trung vào giải phóng mặt bằng, lập bảng tiến độ thực hiện chi tiết từ nay đến cuối năm; chủ động chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục giải ngân theo quy định, không để dồn vào thời điểm cuối năm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết.
Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất
|