Dự án bất động sản khả thi, thanh khoản tốt thì tiếp tục cấp tín dụng

Sáng 9-6, Quốc hội tiếp tục phần chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định.

Thêm thương hiệu vàng khác để giá vàng trong nước hạ nhiệt?

Trả lời tranh luận của ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cuối giờ chiều 8-6 về giá vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trước khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng), SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng. Trước đây, thị trường vàng gây những bất ổn đến kinh tế vĩ mô và Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 để chống vàng hóa. Sau nhiều năm thực hiện, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định và là điểm sáng giúp Việt Nam được nâng hạng trên thị trường quốc tế.

Về việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, theo Thống đốc, thời điểm xây dựng Nghị định 24, thương hiệu vàng SJC chiếm trên 90%. NHNN đã cân nhắc lựa chọn thương hiệu vàng nào, sản xuất riêng hay sử dụng thương hiệu khác... Sau khi phân tích chi phí, lợi ích, NHNN nhận thấy, nếu đưa thương hiệu vàng riêng của NHNN và một số thương hiệu không phải SJC thì người dân sẽ chuyển đổi vàng thương hiệu SJC đang nắm giữ sang thương hiệu khác, vô hình trung gây mất nhiều chi phí xã hội không cần thiết. Sau đó, NHNN theo hướng độc quyền sản xuất vàng miếng và thuê SJC gia công, NHNN quản lý.

NHNN sẽ ghi nhận vấn đề độc quyền thương hiệu này trong quá trình tổng kết Nghị định 24, sẽ phân tích đánh giá kỹ và xin ý kiến các bên liên quan.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC
Tranh luận lại, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Nghị định 24 ban hành cách đây 10 năm, khi đó giá vàng thế giới 1.600 USD/1 ounce, còn trong nước 30-35 triệu đồng/lượng, hiện nay giá vàng thế giới 1.800 USD/1 ounce.
“Thời điểm đó và hiện nay có xảy ra bất cập không? NHNN có nên để độc quyền vàng? Có nên thêm thương hiệu vàng khác để giá vàng trong nước hạ xuống, bởi giá vàng tăng như hiện nay sẽ khiến lạm phát tăng theo?”, ĐB Hòa nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận
Theo Thống đốc, Nghị định 24 xác định NHNN độc quyền và lựa chọn thuê SJC sản xuất vàng. Trong quá trình tổng kết Nghị định 24 thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, xin ý kiến các bên liên quan, ĐB Quốc hội về việc lựa chọn nhiều thương hiệu vàng khác hay giữ 1 thương hiệu như trước nay, đồng thời phân tích, đánh giá kỹ tác động vấn đề này.

Phấn đấu giảm lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất

Liên quan đến gói cấp bù lãi suất 2% với 40.000 tỷ đồng từ ngân sách, tương đương 2 triệu tỷ đồng tín dụng đưa ra nền kinh tế, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn: NHNN có giải pháp gì để kiểm soát chương trình hỗ trợ tránh nguồn vốn đưa vào khu vực không cần thiết hay trục lợi chính sách?

Theo ĐB này, những doanh nghiệp có các khoản vay đã được hoãn, giãn và nay không còn tài sản đảm bảo thế chấp nhưng có phương án kinh doanh tốt thuộc nhóm được vay thì làm sao để doanh nghiệp tiếp cận?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, khi xây dựng Nghị định 31/2022/NĐ-CP (về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh), NHNN đã nhiều lần chủ trì họp với các bộ, ngành; Chính phủ cũng đã họp nhiều cuộc để thiết kế quy định nhằm triển khai thuận lợi, hạn chế các vướng mắc. Nghị quyết 11/NQ-CP (về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình) đã nêu rõ 2 nhóm đối tượng được vay là nhóm có nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành được quy định trong phân ngành kinh tế của Chính phủ; cho vay với nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. Để công bằng, việc này có sự tham gia của các bộ, ngành. Nghị định cũng có quy định sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước với những khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính quyết toán.

Với những doanh nghiệp có nợ cũ, hiện không có tài sản bảo đảm, theo Thống đốc, ngay từ khi bàn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng xác định là cho vay với các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. NHNN đã có nghị định, thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng, phải đảm bảo khả năng trả nợ, phục hồi. Tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp kinh doanh nên nếu họ đánh giá không đủ điều kiện vay thì doanh nghiệp không tiếp cận được.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Phát biểu làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết của Quốc hội, theo dõi sát tình hình trong nước để tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với các cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Về kiểm soát tín dụng và các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về phản ánh siết tín dụng với lĩnh vực bất động sản, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải kiểm tra lại các khoản cho vay xem có đáp ứng đủ điều kiện hay không chứ không phải siết chặt. Với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục