Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội “đội vốn” gần 3.000 tỷ đồng

Tổng mức đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội “đội” thêm 2.881 tỷ đồng so với mức được phê duyệt (85.813 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
Phối cảnh một khu tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
Phối cảnh một khu tái định cư phục vụ dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 56 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó có một số thay đổi đáng lưu ý so với dự án đã được phê duyệt.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ, tổng diện tích thu hồi đất cho dự án khoảng 1.341ha, nhưng thực tế triển khai đã tăng 56 ha, nâng tổng diện tích thu hồi đất lên 1.397ha.

Quốc hội phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Kết quả phê duyệt các dự án thành phần cho thấy con số này khoảng 84.320 tỷ đồng (thấp hơn sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56 của Quốc hội).

Tuy nhiên trong đó, dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng; dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng. Chính phủ cho biết, nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, trong trường hợp này, UBND TP Hà Nội phải chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nêu khó khăn về giải phóng mặt bằng. Theo đó, 86,5% diện tích đất đã được giải phóng là đất nông nghiệp. Phần còn lại chưa làm được chủ yếu thuộc đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan tín ngưỡng và các cơ quan, tổ chức… nên khó khăn trong vận động bàn giao; dẫn đến hiện tượng “xôi đỗ”, khó triển khai thi công đồng loạt.

Dự án có tổng chiều dài gần 113km, đi qua địa phận Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng; chia thành 7 dự án thành phần; dự kiến, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Tin cùng chuyên mục