Gánh nặng sách giáo khoa đầu năm học mới

Năm học 2022-2023 chưa bắt đầu nhưng nhiều phụ huynh ở TPHCM đã được yêu cầu đăng ký mua sách giáo khoa (SGK) cho con. Đáng nói, phiếu đăng ký mua sách không chỉ có SGK mà còn kèm vở bài tập, tài liệu tham khảo và nhiều dụng cụ học tập khác...
Chọn mua sách giáo khoa tại nhà sách Hải An (quận 1, TPHCM)
Chọn mua sách giáo khoa tại nhà sách Hải An (quận 1, TPHCM)

Tự nguyện hay bắt buộc?    

 Một phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 2, Trường Tiểu học T.V.O (quận Bình Tân) chia sẻ với chúng tôi bảng đăng ký mua SGK và đồ dùng học tập do nhà trường phát, chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó, ngoài bộ SGK và bài tập lớp 2 (21 cuốn) giá 318.000 đồng, sách tiếng Anh Family and Friends (2 quyển bài học và bài tập) kèm 2 bìa bao có giá 160.000 đồng, sách luyện tập Tin học với bìa bao giá 54.000 đồng. Bảng đăng ký còn liệt kê nhiều dụng cụ học tập khác như bìa bao SGK và vở bài tập 45.000 đồng, bộ thực hành Toán lớp 2 giá 237.500 đồng, bộ 8 bìa bao tập 18.000 đồng, 30 nhãn vở giá 10.000 đồng và 10 quyển tập Thiên Long 115.000 đồng. Đáng nói, nhà trường đã gộp chung chi phí một học sinh phải đóng để trang bị tất cả vật dụng nói trên là 957.500 đồng - một số tiền không nhỏ đối với thu nhập của nhiều gia đình lao động. 

Tương tự, tại Trường Tiểu học T.Đ (quận 12), bảng báo giá danh mục SGK và vở bài tập lớp 4 năm học 2022-2023 phát cho phụ huynh khiến nhiều người “choáng” với tổng chi phí lên đến 800.000 đồng. Trong đó, bộ SGK (8 cuốn) 80.000 đồng, sách tiếng Anh giá 165.000 đồng, còn lại là bộ sách bài tập (10 cuốn), tài liệu giáo dục an toàn giao thông, tìm hiểu địa lý và lịch sử địa phương TPHCM, Toán và khoa học thông minh, bộ cắt - khâu - thêu dành cho học sinh lớp 4… 

Theo các giáo viên chủ nhiệm, trường không bắt buộc học sinh mua tất cả tài liệu tham khảo; nếu không đăng ký mua vở bài tập, học sinh có thể viết vào tập trắng. Ngoài ra, ở từng danh mục sách, phụ huynh có thể đánh dấu vào ô “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đăng ký mua. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, không nắm rõ sách nào con cần học, nếu tự mua ở ngoài sẽ thừa, thiếu hoặc không đúng sách con học ở trường nên đăng ký mua đại cho xong.

Ngày 28-6, trong vai phụ huynh, PV Báo SGGP đến nhiều hệ thống nhà sách để tìm mua SGK. Tại các hệ thống như Fahasa, Phương Nam, Công ty CP Sách và thiết bị trường học, phụ huynh có thể mua SGK trọn bộ hoặc riêng lẻ từng cuốn. Tương tự, với vở bài tập, phụ huynh có thể mua riêng lẻ hai môn Toán và Tiếng Việt hoặc trọn bộ vở bài tập ở tất cả môn học. Tuy nhiên, tại nhà sách T.L (quận Bình Thạnh), dù để bảng “Giảm 5% sách giáo khoa năm học 2022-2023” nhưng bộ SGK lớp 4 được gộp chung với sách bổ trợ có tổng giá thành 193.300 đồng. Bộ SGK lớp 5 cũng được bán chung với sách bổ trợ với giá 202.500 đồng. 

Nhiều phụ huynh cho biết, những năm học trước từng xảy ra tình trạng vào năm học, khi giáo viên thông báo cần trang bị những đầu sách nào phụ huynh mới đi mua, nhưng khi đó nhà sách không còn bán đủ các đầu sách SGK. Năm nay rút kinh nghiệm, nhiều gia đình đã “bấm bụng” mua trọn bộ SGK và sách bổ trợ để con có đầy đủ sách học. 

Gánh nặng sách giáo khoa đầu năm học mới ảnh 1 Chọn mua SGK tại một nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM

Quy định có, nhưng thực tế trái ngược

 Sau khi tiếp nhận thông tin trường học bán SGK kèm vở bài tập và dụng cụ học tập, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết, các trường liệt kê đầy đủ danh mục đầu sách và dụng cụ học tập cho phụ huynh đăng ký để tổng hợp số lượng đăng ký với nhà cung cấp. Phụ huynh nên cân nhắc, danh mục nào không trang bị thì đánh dấu vào ô “Không mua”. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng GD-ĐT quận này thừa nhận, trong bảng đăng ký có cột “Tổng tiền” là không đúng quy định, vì sẽ khiến phụ huynh hiểu nhầm là phải đăng ký mua đầy đủ tất cả danh mục thành phần. Vào mỗi đầu năm học, phòng GD-ĐT đã lưu ý các trường không bắt buộc phụ huynh mua bìa bao tập, tập trắng, cặp táp, kể cả quần áo đồng phục. Phụ huynh có thể tự trang bị cho con phù hợp nhu cầu sử dụng và điều kiện thực tế của gia đình.     

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào đầu tháng 6-2022, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nêu ý kiến, sách tham khảo là một trong những cơ sở giúp giáo viên làm phong phú hơn bài giảng của mình, tuy nhiên không nên bắt buộc sử dụng đối với học sinh tiểu học. 

Trước phản ánh của dư luận, tối 12-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục địa phương không được ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập. Ngoài ra, giáo viên và cán bộ quản lý không được lạm dụng vị trí công tác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, phụ huynh mua các đầu sách tham khảo ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, không lập danh mục, đóng gói chung SGK với sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt. Tuy nhiên, quy định chưa nêu rõ chế tài và trách nhiệm người thực hiện, nên trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng bất nhất!

Ngoài SGK và sách bài tập, thị trường sách tham khảo hiện nay khá nhộn nhịp. Chỉ tính riêng Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã có hơn 150 đầu sách tham khảo dành cho bậc tiểu học, hai bậc THCS và THPT có số lượng sách tham khảo ít hơn nhưng cũng xấp xỉ 10 đầu sách ở môn Toán và Ngữ văn. Riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, danh mục sách tham khảo phát hành tháng 5-2022 gồm 320 đầu sách, trong đó nổi bật là bộ “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh” (từ lớp 1 đến lớp 9), bộ sách “Phát triển năng lực tư duy, ngôn ngữ dành cho học sinh tiểu học” (12 cuốn), riêng lớp 1 có thêm sách “Hướng dẫn đánh giá các môn học”…

Tin cùng chuyên mục