Giấc mơ “dải lụa xanh” Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Mặt đường tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa đã bằng phẳng, lắp đặt đèn chiếu sáng với hệ thống cây xanh tạo nên cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng. Nhiều tấn cá được thả xuống dòng kênh để làm đa dạng môi trường sinh thái, trên bến dưới thuyền... Đó là diện mạo ngày nay của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 

Nỗ lực hồi sinh dòng kênh “chết”

Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trải dài dọc các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) trước đây vốn là dòng kênh ô nhiễm trầm trọng. Từ năm 2003, sau khi TPHCM khởi động dự án cải thiện môi trường, kênh Nhiên Lộc - Thị Nghè đã được thay đổi diện mạo với dòng nước trong xanh. Thành phố đã đặt thêm nhiều ghế đá, chỉnh trang hai bênh bờ kênh thành công viên, cây xanh, biến nơi đây thành điểm thể dục, thể thao và sinh hoạt văn hóa của người dân. 

Theo Sở TN-MT TPHCM, toàn bộ dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 có 33 gói thầu, trong đó gói thầu đầu tiên được khởi công vào tháng 3-2003 lắp tuyến cống bao (đường kính 2,5 - 3m) dài 8,9km nằm dọc kênh. Gói thầu có quy mô lớn nhất là nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn, đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè hai bên bờ kênh. 

Có thể thấy, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xứng đáng là công trình thế kỷ của thành phố, nên được nhân dân ủng hộ hết mình, từ công tác di dời, tái định cư đến quá trình giải tỏa, thi công…

Cô Lê Thị Hoa, người dân sống ở quận Bình Thạnh, chia sẻ rằng 15 năm trước người dân không dám đứng ở kênh để tập thể dục hay đi bộ như bây giờ. “Hồi đó rác nhiều lắm, nước kênh thì đen kịt, dòng kênh bị ô nhiễm nặng nề. Giờ thì những hình ảnh đó đều đã là quá khứ”, cô Hoa cười vui. 

Cùng nhận định trên, ông Trần Công Hùng, sống ở quận 1, cũng cho biết sau hơn 10 năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dần dần hồi sinh, lấy lại lòng tin của người dân. Sau khi dự án hoàn thành, mọi nguồn nước sinh hoạt của người dân đều được chảy vào hệ thống cống ngầm chạy dọc hai bên bờ kênh và được xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn.

Nên về cơ bản, nguồn gây ô nhiễm của dòng kênh đã được triệt tiêu. Nước kênh giờ đây đã sạch hơn, vì không còn nước thải sinh hoạt của người dân đổ ra. Sáng sớm và chiều tối, rất nhiều người dân đã có thể ra bờ kênh tập thể dục, hóng mát, trẻ em thoải mái vui đùa…

Giấc mơ “dải lụa xanh” Nhiêu Lộc - Thị Nghè ảnh 1 Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đã sạch, đẹp hơn

Không dừng lại đó, nhiều cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể của thành phố cũng đã cho thả nhiều tấn cá xuống dòng kênh để làm đa dạng môi trường sinh thái, từng bước biến dòng kênh đang trở thành dải lụa xanh vắt ngang qua thành phố. Có thể nói, đây là một công trình mang tính thế kỷ ghi dấu ấn muôn đời trong lòng người dân thành phố. 

Tăng kiểm soát chất lượng nguồn nước kênh

Tuy hạ tầng lẫn chất lượng nguồn nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nên mỗi ngày dòng kênh phải gồng mình gánh hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt do người dân xả xuống.

Theo ông Hồ Học Hải, Đội trưởng Đội vớt rác Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, mỗi ngày anh em công nhân phải vớt gần 8 - 9 tấn rác. Đặc biệt khi mưa đầu mùa, lượng rác và cá chết lên đến hàng chục tấn. Thi thoảng đi trên đường chúng ta vẫn còn bắt gặp những hình ảnh người dân vô tư ném bịch ni lông, hộp nhựa, chai nước xuống dòng kênh.

Và cả những người thiếu ý thức vẫn cứ buông thả câu, cho dù thành phố đã ra quy định cấm. Những hành động này đã và đang là những mầm mống nguy cơ tiềm ẩn trong việc gây tái ô nhiễm nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Theo Sở TN-MT TPHCM, để tiếp tục cải thiện nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) với công suất 480.000m3/ngày đêm. Sau khi xử lý, nước sẽ đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả ra môi trường. Đây là một công trình xử lý nước thải cực lớn với công nghệ xử lý hiện đại của thế giới. 

Riêng việc xử lý tình trạng cá chết vào mỗi đầu mùa mưa, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quan trắc chất lượng nước kênh để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước.

Mặt khác, phối hợp với UBND các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình xử lý nghiêm các trường hợp đổ rác thải, nước thải trực tiếp xuống lòng kênh. Về phía sở cũng khẳng định, để biến dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôi thối, nhếch nhác và đầy rác thải năm xưa thành dòng kênh đẹp đẽ như hôm nay là nỗ lực suốt 15 năm qua của chính quyền thành phố và hàng ngàn hộ gia đình sống ven kênh.

Do đó, không thể vì một bộ phận dân cư thiếu ý thức mà “bắt” dòng kênh này mãi là dòng kênh rác. Thành phố sẽ tăng cường hơn nữa các giải pháp chế tài cũng như khuyến khích để cộng đồng dân cư cùng chung tay xây dựng kênh Nhiêu Lộc xanh - sạch - đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục