Giải tỏa áp lực vì dịch Covid-19

Dịch Covid-19 căng thẳng, giãn cách kéo dài khiến nhiều người bị áp lực, dẫn tới những rối loạn về tâm thần trong cuộc sống. Rất nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do stress, mất ngủ, lo âu, căng thẳng kéo dài. Do vậy, việc tư vấn, trợ giúp, điều trị tâm lý là vô cùng cần thiết nhằm giúp những người không thể tự cân bằng vượt qua được áp lực, trở lại cuộc sống bình thường mới.
Những người bị sang chấn tâm thần rất cần được hỗ trợ, tư vấn tâm lý. Ảnh: BVCC
Những người bị sang chấn tâm thần rất cần được hỗ trợ, tư vấn tâm lý. Ảnh: BVCC

Nhập viện vì ở nhà quá lâu

Đang làm nhân viên bán hàng tại một doanh nghiệp chuyên đồ nội thất với thu nhập cao nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều công trình xây dựng phải dừng lại thì anh L.V. Hùng (38 tuổi, ở Cát Linh, Hà Nội) phải nghỉ việc. Ngày qua ngày ở suốt trong nhà, thu nhập giảm sút, không giao lưu bạn bè, khiến anh Hùng liên tục bị mất ngủ, bồn chồn. Thậm chí, nhiều khi nam nhân viên này cứ đi lại liên tục trong nhà như người mất hồn, khiến gia đình phải đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai điều trị chứng rối loạn cảm xúc. 

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, gần 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, số người phải điều trị các rối loạn tâm thần cũng tăng khá nhiều, phổ biến nhất là mất ngủ, stress, trầm cảm, căng thẳng và lo âu do những áp lực về dịch bệnh, sức khỏe, thu nhập và công ăn việc làm. Hơn nữa, không chỉ có người lớn mà trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý khi các em phải nghỉ học kéo dài, bị hạn chế ra ngoài vui chơi, trong khi phải liên tục “làm bạn” với điện thoại, máy tính và tivi, gây ra các vấn đề rối loạn tâm lý do nghiện game, Tiktok, YouTube… ở trẻ.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng nhận điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19, điển hình là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính và nhiều trường hợp F1 bị rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung.

Đáng chú ý, PGS Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết, bệnh viện còn tiếp nhận điều trị không ít trường hợp gặp tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp khi đến lịch tiêm phòng vaccine Covid-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách kéo dài. Một số trường hợp đến khám bệnh về sức khỏe tâm thần có cuộc sống bị xáo trộn sau khi mất việc làm, giảm lương và hầu hết các bệnh nhân này là người trong độ tuổi lao động.

Hỗ trợ về sức khỏe song hành phục hồi kinh tế

 Đề cập đến những ảnh hưởng của dịch bệnh tới sức khỏe tâm thần, nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, những trường hợp dễ mắc rối loạn tâm thần nhất là bệnh nhân mắc Covid-19. Có nhiều bệnh nhân ngay trong những ngày đầu nhập viện cách ly, điều trị đã xuất hiện dấu hiệu mất ngủ, lo âu. Thậm chí, những người này khi khỏi bệnh trở về cộng đồng cũng chịu áp lực tâm lý nặng nề. Hơn nữa, dịch bệnh khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại bị hạn chế, gây ra tổn thất về mặt kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khiến tâm lý của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề và khi sự căng thẳng kéo dài là nguyên nhân khiến stress, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.

Giải tỏa áp lực vì dịch Covid-19 ảnh 1 Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhi bị sang chấn tâm lý. Ảnh: BVCC

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó. Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng đáng kể như: tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm tăng 31%, rối loạn căng thẳng tăng 41%, rối loạn giấc ngủ tăng 38%. Còn ở nước ta, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng con số này đã tăng cao hơn khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình và hoạt động hỗ trợ về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội cho cộng đồng và phải lồng ghép, song hành với các kế hoạch phục hồi kinh tế. Hơn nữa dịch bệnh còn kéo dài, mọi người cần xác định phải chung sống an toàn, thích ứng phù hợp với hoàn cảnh mới. 

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, mọi người cần tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần bằng các liệu pháp đơn giản, như đọc sách, nghe nhạc, luyện tập yoga. Khi có các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị, nếu không có thể bỏ qua cơ hội sớm hồi phục. Đối với người cao tuổi cần được quan tâm trò chuyện nhiều hơn để họ không cảm thấy cô đơn và khẩu phần ăn cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng cường thể lực. Với trẻ em, ngoài việc học trực tuyến thì cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng; nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, hướng trẻ tới các hoạt động đọc sách, tập thể dục, thể thao, vui chơi hoặc giúp đỡ cha mẹ các việc gia đình.

Tin cùng chuyên mục