Gói hỗ trợ lần thứ 3 rất quan trọng đối với người dân TPHCM

Ngày 17-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát trực tuyến việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM về chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV, ĐBQH khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Địa bàn được giám sát là quận 8, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Hóc Môn. Đây là những quận, huyện có dân số đông, người nhập cư nhiều, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Kiến nghị chính sách hỗ trợ theo đầu người

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết, quận đã triển khai gói hỗ trợ lần 1, lần 2 và đến nay còn 6.140 trường hợp là người lao động tự do và các hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa nhận hỗ trợ. Các trường hợp chưa nhận là do danh sách đã duyệt nhưng người dân về quê, đang trong khu cách ly y tế... và hiện quận đang liên hệ để chuyển khoản.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho hay, quận đã chi hỗ trợ cho hơn 125.300 trường hợp với kinh phí hơn 193 tỷ đồng, hỗ trợ cho các thương nhân tại chợ truyền thống, hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động… Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, chủ doanh nghiệp về quê nên các phường gặp khó khăn khi liên hệ với chủ hộ để lập danh sách người lao động cần hỗ trợ.

Gói hỗ trợ lần thứ 3 rất quan trọng đối với người dân TPHCM ảnh 1 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LONG HỒ

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu thông tin, huyện có 550.000 người dân; trong đó có 127.000 người lưu trú, 50.000 phòng trọ với 95.000 người ở trọ. Hóc Môn chi trả 100% cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc (1.667 người); hỗ trợ đợt 1 cho hơn 63.800 lượt lao động tự do… Ngoài ra, huyện vận động các nguồn để chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người trong khu cách ly, phong tỏa…

Qua thống kê, huyện có gần 76.700 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; huyện đã chi hỗ trợ cho gần 75.900 hộ với số tiền gần 114 tỷ đồng (99%). Các trường hợp chưa chi do hộ dân đang trong khu cách ly, điều trị bệnh…

Tương tự, đại diện quận Bình Tân cho biết, quận có hơn 730.000 dân và sắp gần 4 tháng quận căng mình chống dịch. Quận đã hỗ trợ hơn 35.700 lao động tự do và hơn 144.00 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 270 tỷ đồng; chuyển gần 216.000 túi an sinh xã hội do thành phố cấp tới các hộ dân… Quận có dân số đông, nhiều công nhân và lao động tự do ở trọ, số hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn (1.164 hộ) và nhiều hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có khả năng tái nghèo. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi ngừng sản xuất do dịch bệnh và thực hiện phương án “3 tại chỗ” khiến chi phí tăng cao, nên rất ít doanh nghiệp còn hoạt động.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang kiến nghị TPHCM hỗ trợ cho hộ lao động khó khăn phù hợp với số lượng thành viên trong hộ, tránh tình trạng người dân bức xúc cho rằng hộ nhiều thành viên cũng hưởng chế độ như hộ ít thành viên.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LONG HỒ
Còn Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư đề xuất TPHCM cần hướng dẫn, xác định rõ ràng về đối tượng, quy trình thực hiện và có thời gian hợp lý, không chậm trễ nhưng cũng không quá gấp dẫn đến thiếu khả thi và dễ xảy ra sai sót.

Bên cạnh đó, có cơ chế để UBND quận xem xét, thẩm định, phê duyệt các trường hợp phường rà soát phát sinh đúng diện chi hỗ trợ; các danh sách do Tổ dân phố lập cần được thẩm định chặt chẽ để đảm bảo chính xác. Đồng thời, cần định hướng truyền thông thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng để tránh gây ngộ nhận, hiểu sai chính sách hỗ trợ của TP, gây bức xúc và dư luận không tốt trong nhân dân.

Không để sót, sai trường hợp được hỗ trợ

Tại hội nghị, Trưởng ban Văn hoá và Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết, qua công tác giám sát nhận thấy, hoạt động chi trả các gói hỗ trợ được triển khai nỗ lực, đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp bị sót như cách ly, về quê... Do đó, ông Cao Thanh Bình đề nghị các quận, huyện cần rà soát đảm bảo các trường hợp được nhận đủ chính sách. Bên cạnh đó, cử cán bộ phường, hội, đoàn thể xuống hỗ trợ tổ trưởng tổ dân phố, khu phố trong công tác chi hỗ trợ.

Tại hội nghị, ĐBQH Trần Thị Kim Yến cho rằng, công tác truyền thông cần đầy đủ, chi tiết để người dân hiểu rõ về đối tượng, mục đích của từng đợt hỗ trợ. Bên cạnh đó, cán bộ cơ sở nỗ lực đảm bảo không sót, không trùng trong chi trả các tiêu chuẩn hỗ trợ cho người dân.

Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp hỗ trợ quận, huyện giải quyết dứt điểm việc chi trả từng đợt hỗ trợ. Ngoài ra, giải thích rõ ràng, hỗ trợ cán bộ cơ sở thực hiện nhiệm vụ; MTTQ và các đơn vị tiếp tục giám sát tốt hoạt động lập danh sách đợt 3 đảm bảo chi kịp thời, giải quyết các khó khăn của cơ sở.

Còn theo ĐBQH Tô Thị Bích Châu, thực tế giám sát tại địa phương có nhiều trường hợp đã nhận hỗ trợ đầy đủ, thậm chí nhiều lần nhưng vẫn đòi hỗ trợ gây khó khăn cho cán bộ cơ sở. Do đó, ĐBQH Tô Thị Bích Châu đề nghị nhân dân TPHCM chia sẻ khó khăn với thành phố trong thời gian chống dịch.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân gợi ý các quận huyện cần củng cố lại hệ thống cán bộ cơ sở, tăng cường cán bộ cấp trên xuống cơ sở thực hiện công tác chi hỗ trợ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, công cụ cho người dân phản ánh với chính quyền về hoàn cảnh, tình trạng cần hỗ trợ.

Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM cần lấy thực tế của người dân làm căn cứ, cơ sở giải quyết nhu cầu cấp bách cho người khó khăn. Theo đồng chí, nếu thời gian giãn cách kéo dài, nhu cầu cần hỗ trợ sẽ tăng thêm. Vì vậy, TPHCM cần công bố lộ trình, thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, TPHCM cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong trả lời, tư vấn người dân được hỗ trợ các chính sách an sinh của TP.

Gói hỗ trợ lần thứ 3 rất quan trọng đối với người dân TPHCM ảnh 3 Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: LONG HỒ

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai chi trả các gói hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 của Trung ương và TPHCM. Song song đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã chủ động vận động nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân.

Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, với gói hỗ trợ lần thứ 3 của TPHCM là rất quan trọng đối với người dân. Do đó, đề nghị quận, huyện, phường, xã cần làm tốt công tác xác minh, không để việc lập danh sách sót, sai các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ. Đồng thời, công an khu vực cần tham gia trong công tác chi chính sách hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức lại lực lượng nhân sự làm công tác chi hỗ trợ tại cơ sở. Ngoài ra, quận, huyện, xã, phường tập trung làm nhanh nhiệm vụ của mỗi cấp trong quá trình triển khai gói hỗ trợ đợt 3.

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng để công tác chống dịch đạt kết quả. TPHCM phải chi một khoản kinh phí lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị địa phương chia sẻ với TPHCM, sử dụng khoản kinh phí chi hỗ trợ đúng đối tượng, mục đích. Bên cạnh đó, khi lập danh sách cần phải công khai, minh bạch, không được bỏ sót các trường hợp khó khăn. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm thêm việc chi hỗ trợ các trường hợp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục